Doanh nhân Bùi Huy Tín: Luôn chấn hưng thực nghiệp
Phong cách sống - Ngày đăng : 03:00, 25/10/2022
Kỳ 2: Những đóng góp của Bùi Huy Tín cho đất nước
Bên cạnh việc sở hữu nhiều đồn điền, mỏ khoáng sản và nhà in Đắc Lập, Bùi Huy Tín còn đầu tư vào nhà máy nước, công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp cho người dân miền Trung. Đáng chú ý là Nhà máy nước Vĩnh Điện (Quảng Nam).
Lưu vực châu thổ sông Thu Bồn có tiềm năng phát triển nông nghiệp dồi dào nên vấn đề thủy nông rất được xem trọng. Khu vực này từng có một nhà máy nước thuộc sở hữu của hai thương gia người Pháp là Buttier và Daurelle, từ năm 1923-1924. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, giữa chủ nhà máy nước và các chủ ruộng thiếu thống nhất trong nhiều vấn đề nên nhà máy hoạt động kém hiệu quả, phải bán lại cho Bùi Huy Tín. Năm 1923, ông đầu tư vào Nhà máy nước Vĩnh Điện với khát vọng mở mang canh tác nông nghiệp cho người dân vùng đất này.
Nước suối Vĩnh Hảo xưa |
Bùi Huy Tín điều đình với các điền chủ, lấy sự đối thoại, hòa hợp để thuận tình trách nhiệm và hai bên cùng có lợi. Nhờ vậy, chỉ vài năm, nhà máy đã đem lại hiệu quả tốt. Nhờ sự thân thiện và tài quản trị giỏi, Bùi Huy Tín lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy nước thứ hai tại Vĩnh Điện để giúp người dân tưới tiêu thêm nhiều đồng ruộng vốn thiếu nước trong vùng. Ngày 28/1/1928, nhà máy nước thứ hai ở Vĩnh Điện khánh thành, tưới được 1.000 mẫu đất, bổ sung cho nhà máy thứ nhất cũng tưới hơn 1.000 mẫu, thiết thực giúp người dân trong vùng làm ăn phát đạt.
Động cơ hai nhà máy nước ở Vĩnh Điện chạy bằng than củi hoặc than đá, công suất 120 mã lực, mỗi giờ bơm được 4.000m3 nước. Điểm nổi bật là toàn bộ công nhân trong nhà máy đều là người Việt và họ vận hành máy móc, thiết bị rất thông thạo. Nhờ vào hai nhà máy nước của Bùi Huy Tín, nhiều vùng đất khô ở Vĩnh Điện, đời sống người dân thêm phần khởi sắc. Về sau, trên đất Quảng Nam lần lượt xây thêm nhiều nhà máy thủy nông, thiết thực phát triển nông nghiệp ở lưu vực sông Thu Bồn nói riêng và khắp xứ Quảng nói chung.
Trang bìa báo Tràng An số 16 (1935) (Nguồn: baothuathienhue.vn) |
Sau năm 1945, việc kinh doanh của Bùi Huy Tín dần sa sút, những hầm mỏ, đồn điền do ông đầu tư xây dựng lần lượt bị bán lại cho người khác. Tiếp đó, một số tài sản về đất đai, nhà cửa ở Huế, Đồng Hới, Bạch Mã cũng được ông bán lại. Từ năm 1954, Bùi Huy Tín lui về hoạt động Phật sự ở tuổi ngoài 75 tại chùa Tập Thiện, Huế.
Chùa Tập Thiện được xây dựng vào năm 1924 theo chủ trương của Hội Bắc kỳ châu phả - một hội đồng hương những người có tổ quán hoặc nguyên quán Bắc kỳ đến Trung kỳ lập nghiệp, trong đó Bùi Huy Tín là thành viên của hội. Theo điều lệ của hội, một trong những công việc quan trọng là lo việc ma chay và quản lý nghĩa trang ở Huế dành cho những người đồng hương Bắc kỳ và sau này sẽ mở rộng ra các tỉnh Trung kỳ. Bùi Huy Tín đã góp vốn xây dựng chùa Tập Thiện để trông coi việc hương khói và nghĩa trang cho đồng hương Bắc kỳ ở Huế đã mất.
Bùi Huy Tín sống những năm cuối đời ở Huế với số tài sản ít ỏi còn lại và chuyên tâm tham gia các hoạt động Phật sự ở chùa Tập Thiện từ năm 1954 cho đến khi lặng lẽ từ trần tại đây vào ngày 9/1/1963, hưởng thọ 87 tuổi. Mộ phần của ông được Ban Trị sự Bắc kỳ đồng châu hội đưa về an táng trong khuôn viên nghĩa trang chùa Tập Thiện. Trên bia có khắc dòng chữ “Hiển khảo tiền triều cáo thụ thái thường tự khanh Bùi công đệ nhị lang chi mộ” và dòng lạc khoản “Quý Mão niên mạnh xuân cát nhật. Hiếu tử, Bùi Huy Đẩu phụng lập”, nghĩa là “Ngày tốt, tháng 1 năm Quý Mão (1963). Con trai Bùi Huy Đẩu phụng lập”.
Ga Vinh Nghệ An thời Pháp thuộc (Nguồn: baonghean.vn) |
Trong suốt cuộc đời kinh doanh, Bùi Huy Tín được biết đến như một doanh nhân thành công trên cả thương trường lẫn hoạt động xã hội. Ông là một trong những doanh nhân tiêu biểu đại diện cho thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam, cùng với Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền... những người đã tạo nên dấu ấn thương hiệu hàng hóa Việt trên thương trường đầu thế kỷ XX bằng tài trí kinh doanh và óc sáng tạo. Đối với người dân Trung kỳ, Bùi Huy Tín là một người nhiệt tình, luôn nặng lòng với quê hương xứ sở, luôn toàn tâm góp phần kiến thiết nền kinh tế quốc gia. Những di sản mà ông để lại trên nhiều tỉnh, thành miền Trung đã làm thay đổi đáng kể đời sống dân sinh của người dân, cải thiện sản xuất nông nghiệp, khôi phục kinh tế đất nước.
Đối với nền báo chí nước nhà, Bùi Huy Tín là “cha đẻ” của hai tờ báo kinh tế tiếng tăm ở Hà Nội và Huế trước năm 1945. Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo trở thành cơ quan ngôn luận chấn hưng thực nghiệp, khai mở kinh tế cho người dân Việt Nam, là tiếng nói cho những trí thức yêu nước và nhân dân lao động trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Bùi Huy Tín chính là người mở đầu cho ngành xuất bản ở miền Trung khi khai sinh ra nhà in đầu tiên ở Huế.