Tìm cách thoát khỏi sức ảnh hưởng của USD
Quốc tế - Ngày đăng : 08:00, 26/10/2022
Đồng tiền dự trữ mới
Các quốc gia BRICS (nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi), gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang làm việc để thiết lập đồng tiền dự trữ mới phục vụ lợi ích kinh tế của họ. Đồng tiền mới này trước mắt sẽ nằm trong giỏ tiền tệ của 5 nước thành viên trước khi vươn tầm ảnh hưởng xa hơn và trở thành một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho thanh toán quốc tế.
Nhóm BRICS đã từ lâu mong muốn xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính chung cho phép tạo ra một loại tiền tệ dự trữ mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và đồng euro, đồng thời thiết lập mạng lưới thanh toán chung để cắt giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây. Nhu cầu này càng trở nên mạnh mẽ khi chứng kiến những đòn trừng phạt tài chính và tiền tệ của Mỹ nhắm vào Nga từ đầu năm đến nay.
Thời gian qua, BRICS tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế với kim ngạch thương mại tăng đều đặn bất chấp những hạn chế do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine gây ra. Các thành viên cũng tăng cường sử dụng đồng nội tệ của nhau trong giao dịch thương mại. Trong lịch sử, cả 5 thành viên của khối này đều từng phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ, do đó nhóm này ngày càng có động lực để "phi đô la hóa" các khoản thanh toán quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro về nhiều mặt.
Nhóm BRICS đang muốn "phế truất" đồng USD |
Không chỉ riêng BRICS, các cuộc thảo luận về việc phi đô la hóa đã diễn ra trong thời gian dài tại nhiều nơi. Đặc biệt, sau khi dự trữ vàng và ngoại hối của Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt chống Nga, nhiều quốc gia bắt đầu nghĩ về cách đa dạng hóa đồng tiền dự trữ để đảm bảo an toàn. Cũng cần biết rằng, hệ thống thanh toán quốc tế chủ yếu dựa trên hệ thống SWIFT cũng do Mỹ và châu Âu nắm giữ và chủ yếu dùng cho đồng USD và euro, do đó việc thay thế đồng USD, vì thế thực tế là lật đổ vai trò của Mỹ và USD, tức là thay đổi trật tự thế giới.
Tại một hội nghị trực tuyến vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Putin cũng từng chia sẻ rằng các nước nhóm BRICS đang làm việc để thiết lập một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới. Theo đó, ngân hàng từ các quốc gia BRICS có thể tự do kết nối với hệ thống thanh toán SPFS (System for Transfer of Financial Messages - hệ thống truyền tin tài chính) của Nga - giải pháp thay thế hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu).
Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) - ngân hàng phát triển đa phương của các quốc gia khối BRICS, rất có thể trở thành nhà phát hành đồng tiền chung BRICS. NDB đã huy động vốn bằng đồng tiền của các nước trong khối, triển khai chương trình cho vay bằng những đồng tiền này. Chương trình này không chỉ giúp các nước thành viên giảm rủi ro về ngoại hối mà còn hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Theo cơ cấu cổ đông hiện tại của NDB, mỗi nước BRICS sở hữu khoảng 20% cổ phần.
Khi sức mạnh đồng USD gây ra quá nhiều hệ quả
Ngoài những lo ngại khi chứng kiến Nga bị trừng phạt, sức ảnh hưởng từ sức mạnh của đồng USD ngày càng gia tăng và kéo theo quá nhiều hệ quả khiến các nước có nhu cầu đa dạng hóa đồng tiền dự trữ và tìm kiếm các phương án thay thế dự phòng. Từ đầu năm đến nay, chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đã tăng gần 20% và leo lên mức cao nhất trong 20 năm qua. Theo các chuyên gia kinh tế, đồng USD mạnh đã làm cho tình hình tồi tệ hơn ở phần còn lại của thế giới và tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) rất có thể trở thành nhà phát hành đồng tiền chung BRICS. NDB đã huy động vốn bằng đồng tiền của các nước trong khối, triển khai chương trình cho vay bằng những đồng tiền này.
Cụ thể, đồng USD tăng giá quá cao khiến hàng nhập khẩu của các nước khác đắt hơn, gia tăng rủi ro thiếu hụt hàng hóa và áp lực lạm phát; "bóp chết" các công ty, người tiêu dùng và chính phủ vay bằng USD, vì họ cần nhiều nội tệ hơn để chuyển đổi thành USD khi thanh toán khoản vay; buộc ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác phải tăng lãi suất để cố gắng nâng đỡ đồng tiền của họ và giữ cho tiền không chảy ra khỏi biên giới. Nhưng lãi suất cao hơn cũng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Để tránh nội tệ mất giá quá nhanh, nhiều nước phải bung nguồn ngoại tệ tích trữ để giữ giá đồng tiền. Được biết, các chính phủ châu Á dùng khoảng 50 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ trước đà tăng không ngừng của USD trong tháng trước. Tổng giá trị USD bán ra tại châu Á trong 9 tháng vừa qua lên tới 89 tỷ USD, đánh dấu giai đoạn sôi động nhất của các giao dịch dự trữ ngoại hối kể từ ít nhất là năm 2008. Một số liệu khác cho thấy, tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm hơn 1.000 tỷ USD so với đầu năm và xuống dưới mức 12.000 tỷ USD, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003.
Dự trữ ngoại tệ giảm khiến nhiều quốc gia khó tiếp cận với đồng USD, còn các ngân hàng chậm trễ trong việc thanh toán bằng đồng bạc xanh, khiến nhiều nước không đủ nguồn lực để thanh toán và mua hàng hóa. Đặc biệt, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, tình trạng khan hiếm đồng USD và sức mua giảm khiến không ít quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực.
Trước tình thế ấy, dễ hiểu vì sao các nước đang muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đô la Mỹ đến thế. Tuy nhiên, các nước nói chung cũng như nhóm BRICS nói riêng cũng đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan, đó là dù muốn có một giải pháp thay thế cho đồng USD, điều có thể khiến USD giảm giá cũng sẽ kéo theo một lượng lớn tài sản bằng USD của họ bị giảm giá trị.