Đồng yên lao dốc và khả năng dịch chuyển chính sách của ngân hàng trung ương các nước
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 27/10/2022
Đồng yên lao dốc
Từ đầu năm đến nay, FED đã nhiều lần tăng lãi suất cơ bản USD để kiềm chế lạm phát, trong khi BoJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ "diều hâu" của FED đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 4%. Trong khi đó, BoJ đang tiếp tục giữ lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm gần bằng không. Chênh lệch lợi suất đang thúc đẩy các nhà đầu tư rót vốn vào đồng đô la Mỹ thay vì yên, gây áp lực giảm giá mạnh lên đồng nội tệ Nhật Bản.
Ngày 22/9/2022, Chính phủ Nhật Bản và BoJ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua đồng yên lần đầu tiên sau 24 năm, để kiềm chế sự mất giá của đồng tiền này sau khi nó chạm mức 145 JPY/USD. Kể từ đó, các nhà đầu tư chú ý đến việc mua vào đồng yên nhiều hơn, tuy nhiên vẫn không ngăn được đà lao dốc của đồng tiền này.
Phó thống đốc BoJ Masazumi Wakatabe gần đây cho rằng, những biến động của đồng yên rõ ràng là quá nhanh và quá phiến diện, đồng thời cảnh báo về thiệt hại kinh tế tiềm ẩn từ sự sụt giảm của đồng tiền này. Nhật Bản đang đứng trước thế lưỡng nan, khi vừa phải nỗ lực ngăn cản sự lao dốc quá mạnh của đồng yên lại vừa phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để đạt mục tiêu lạm phát 2% và cho đến khi tiền lương tăng cao hơn.
Giới chức Nhật Bản đang đau đầu tìm cách hãm đà giảm giá của đồng yên |
Đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (core CPI) của Nhật Bản đã tăng 2,8% trong tháng 8, vượt mục tiêu 2% của BoJ trong tháng thứ năm liên tiếp, khi áp lực giá từ nguyên liệu thô và mức độ suy yếu của đồng yên gia tăng. Tuy nhiên, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda vẫn cho rằng lạm phát có thể sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm tài chính tới.
Đồng yên giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác đang khiến Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài, khi mức lương trung bình của công nhân Nhật Bản tính theo USD đã giảm 40% trong thập niên qua. Hệ quả là chênh lệch lương ngày càng thu hẹp với các quốc gia châu Á mới nổi đã khiến các ngành xây dựng và điều dưỡng của Nhật Bản gặp khó khăn đặc biệt trong việc thuê lao động.
Khả năng dịch chuyển chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước
Có thể thấy BoJ vẫn là một ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên thế giới hiện nay, khi phần lớn các NHTƯ đang theo đuổi chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát tăng cao, dù có thể tác động tiêu cực lên sự phục hồi kinh tế vốn còn mong manh.
Trong khi đó, nhóm 20 nền kinh tế lớn (G-20) mới đây cam kết hạn chế tác động từ việc tăng lãi suất của các NHTƯ nhằm giải quyết lạm phát, đồng thời chia sẻ mối lo ngại về sự biến động gia tăng trên thị trường hối đoái.
Để đạt được sự ổn định về giá cả và tránh sự lan tỏa tiêu cực, các thành viên G-20 cho biết họ sẽ "điều chỉnh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách thích hợp".
Dù vậy, các bộ trưởng tài chính G-20 và thống đốc các NHTƯ cũng đã tái cam kết trong việc giải quyết "những thách thức kinh tế toàn cầu đang gia tăng", với giá thực phẩm và năng lượng tăng, các điều kiện tài chính thắt chặt và đại dịch Covid-19 kéo dài. Để đạt được sự ổn định về giá cả và tránh sự lan tỏa tiêu cực, các thành viên G-20 cho biết họ sẽ "điều chỉnh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách thích hợp", khi mà việc chuyển hướng sang tăng lãi suất và thắt chặt thanh khoản đang tạo ra "rủi ro rất lớn" cho các quốc gia đang phải gánh nặng nợ nần, cũng như gia tăng nguy cơ suy thoái.
Mới đây, mô hình dự báo do hai nhà kinh tế của Bloomberg là Anna Wong và Eliza Winger đưa ra, dựa vào 13 chỉ số tài chính, cho rằng nền kinh tế Mỹ chắc chắn 100% sẽ bước vào suy thoái trong 12 tháng tới.
Trong khi đó, đồng USD mạnh giúp kiềm chế lạm phát của Mỹ, vì nó làm giảm chi phí hàng hóa nhập khẩu nhưng lại ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển nói riêng bằng cách tăng chi phí nhập khẩu và gánh nặng các khoản nợ bằng đồng đô la của họ. Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên cũng đang phải cảnh giác trước sự mất giá nhanh chóng của đồng yên.
Nhóm G-7 cũng thừa nhận "sự biến động gia tăng" ngày càng lớn của các đồng tiền và sự cần thiết phải theo dõi thị trường sát sao hơn.