Đối mặt với sức ép tỷ giá
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 27/10/2022
Tỷ giá trung tâm cũng tăng khá mạnh trong hai tháng gần đây |
Tăng vọt sau một chính sách của Ngân hàng Nhà nước
Tỷ giá USD/VND đã liên tục tăng từ giữa tháng 10 đến nay. Cụ thể, chỉ trong vòng ba ngày, từ 17-19/10, giá giao dịch USD tại các ngân hàng đã tăng thêm 300-400 đồng, lên mức 24.300 đồng ở chiều mua vào và 24.600 đồng ở chiều bán ra. Nếu so với đầu năm, giá giao dịch USD tại nhiều ngân hàng đã tăng xấp xỉ 7%. Trong khi đó, giá bán USD tự do cũng lần đầu tiên vượt mốc 24.700 đồng trong sáng 19/10. Sự biến động mạnh của tỷ giá đến từ chỉnh chính sách của NHNN mới đây.
Trước đó, vào ngày 17/10, NHNN đã điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ ±3% lên ±5%. Theo đó, mức chênh lệch giữa giá sàn hoặc giá trần so với mức tỷ giá trung tâm mà các ngân hàng được phép niêm yết là ±5%. Được biết, mức biên độ ±3% đã được cố định trong hơn 7 năm qua, tính từ tháng 8/2015.
Theo NHNN, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn các nước đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột giữa Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức cho phép đã gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và Việt Nam.
Việc NHNN tăng biên độ niêm yết ±5% nhằm chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và NHTƯ nhiều nước.
Chẳng những mở rộng biên độ, NHNN cũng tăng mạnh tỷ giá trung tâm thêm 45 đồng, lên 23.586 đồng/USD trong ngày 17/10 và nâng giá bán đô la Mỹ tại Sở Giao dịch NHNN lên 24.380 đồng, tăng 455 đồng, tương đương tăng 1,9% so với ngày trước đó. Theo đó, so với đầu năm, giá bán USD của NHNN đã tăng đến 1.230 đồng, tương đương tăng 5,3% so với đầu năm.
Theo giới phân tích tài chính, có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn, đó có thể là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý tương tự như các nước trong khu vực đã lựa chọn kể từ sau khủng hoảng kinh tế - tài chính 1997-1998.
Từ đầu năm tới nay, NHNN đã phải bán ra một lượng lớn ngoại tệ để ổn định tỷ giá, khiến quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã vơi khoảng 20%, trong khi việc nâng lãi suất điều hành để tăng sức hấp dẫn của tiền đồng có thể ảnh hưởng lên đà phục hồi kinh tế, chính sách mở rộng biên độ tỷ giá được xem là phù hợp, nhất là khi nhiều dự báo cho thấy lực cầu USD biến động trong những tháng cuối năm có thể khiến tỷ giá chịu thêm nhiều áp lực.
Với việc USD trên thị trường quốc tế có dấu hiệu bật tăng trở lại, trong khi FED dự kiến còn đến hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, sức ép lên tỷ giá sẽ ngày càng lớn khi gần về thời điểm cuối năm. Do đó, NHNN có lý do hành động sớm để hạn chế kỳ vọng quá lớn của thị trường, cũng như tránh rủi ro điều chỉnh tỷ giá quá mạnh trong một thời điểm ở giai đoạn tới.
Ảnh hưởng ra sao?
Sự mất giá của tiền đồng trong hơn 9 tháng qua so với nhiều đồng tiền khác của các đối tác thương mại cũng như các nước trong khu vực là thấp hơn nhiều, do đó đã ảnh hưởng đáng kể lên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước. Nay với biên độ được mở rộng thêm 2%, giúp giá giao dịch USD linh hoạt hơn, khi các ngân hàng có không gian rộng rãi hơn trong cơ chế niêm yết tỷ giá bám sát thực tế và nhu cầu của thị trường, DN xuất khẩu có thể tăng sức cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiện 60-70% hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam thanh toán bằng USD. Việc tiền đồng tăng, tốc độ mất giá so với đô la Mỹ đang tạo áp lực chi phí với DN nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa thanh toán bằng đồng bạc xanh này. Theo đó, DN xuất khẩu cũng sẽ chịu áp lực tăng chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu, do DN xuất khẩu thường có tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu rất lớn.
Dòng vốn đầu tư cũng có thể nghi ngại trước xu hướng mất giá nhanh của các đồng bản tệ. Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 9 tháng qua đạt 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn trong xu hướng bán ròng không dứt.
Dù vậy, với tình hình thị trường tiền tệ toàn cầu đang biến động rất nhanh và mạnh trong thời gian qua, những biện pháp can thiệp mạnh mẽ của NHTƯ nhiều nước để ứng phó với sự biến động của các đồng tiền so với đô la Mỹ, những rủi ro và nguy cơ trong nền kinh tế thế giới ngày càng gia tăng, việc mở rộng biên độ cho tỷ giá USD/VND có lẽ là điều cần thiết để kịp phản ứng với thực tiễn thị trường ngoại hối trong giai đoạn hiện nay.
Theo giới phân tích tài chính, có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn, đó có thể là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý tương tự như các nước trong khu vực đã lựa chọn kể từ sau khủng hoảng kinh tế - tài chính 1997-1998. Khác với cơ chế neo tỷ giá hiện nay, trong cơ chế thả nổi có quản lý, NHTƯ sẽ "từ bỏ” việc tuyên bố trước tỷ giá trung tâm, tỷ giá thương mại hằng ngày về cơ bản được xác lập bởi giao dịch theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường.