Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch vẫn "tự bơi"

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 27/10/2022

Thực phẩm bẩn, thực phẩm "đội lốt an toàn" đã len lỏi vào các hệ thống phân phối khiến người tiêu dùng lo lắng. Làm thế nào để có nguồn thực phẩm an toàn là trách nhiệm đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Quản lý lỏng lẻo

Thời gian gần đây, đã xuất hiện  hành vi gian dối, biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ "đội lốt" nhãn mác VietGAP để đưa vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi đánh lừa người tiêu dùng. 

TP.HCM có ba chợ đầu mối lớn, là nơi cung cấp thực phẩm chủ yếu cho người dân thành phố. Thế nhưng hầu hết rau củ quả về chợ đầu mối đều không có nhãn mác, việc cập nhật số liệu đều thực hiện bằng phương pháp thủ công. Ông Nguyễn Bình Phương - Phó giám đốc Kinh doanh - Tiếp thị Công ty CP Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức thừa nhận, chỉ có thể thống kê chủng loại, địa phương cung cấp, giá bán khi rau củ từ các nơi đổ về chứ không thể kiểm soát được chất lượng. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, thương nhân tự mua bán và trao đổi, chợ chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa. Tại đây, rau Lâm Đồng chiếm 50%, còn lại là rau nhập khẩu và từ các địa phương khác. Để biết được chất lượng rau quả về chợ như thế nào thì phải lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng để có kết quả xét nghiệm phải mất ít nhất vài ba ngày, do đó phải dùng giải pháp test nhanh để lưu thông hàng hóa và cách này độ chính xác chỉ ở mức tương đối. Vì vậy, việc kiểm soát phải làm từ nguồn trồng chứ chợ không thể làm nổi. 

Thực tế cho thấy, an toàn thực phẩm chưa được quản lý tốt. Có nhiều trường hợp, nhà sản xuất đối phó với các loại giấy tờ thủ tục mà chưa thật tâm đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn thích hàng giá rẻ, tiện lợi ở các chợ dân sinh, chợ tự phát và trôi nổi thay vì các kênh phân phối uy tín. Tình trạng doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến nguồn thực phẩm trên thị trường vẫn nhập nhèm về chất lượng. Chính sách, pháp lý về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn, hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả, thiếu chặt chẽ.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để tăng cường chất lượng thực phẩm cho người Việt cần giải quyết các tồn tại nêu trên song song với việc tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, cần xác định khâu trọng yếu của chuỗi là trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và đại lý. Cần phải chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát "đường đi" của thực phẩm.

-7296-1666671267.jpg

"Đất sống" cho thực phẩm sạch

Nhiều doanh nghiệp làm thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất và cả đầu ra. Ông Trần Nguyên Chí - Giám đốc Công ty Nông sản Nguyên Lộc cho biết, hiện nay nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp có tâm mong muốn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng hầu hết phải "tự bơi", tự đầu tư từ kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Vì khó trong đầu ra, doanh số bấp bênh nên việc phát triển sản xuất rất khó khăn, dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. "Sản xuất sạch nhưng thiếu vốn, sản phẩm đưa ra bị cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí không ai mua khiến chúng tôi nản lòng", ông Chí nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thực phẩm an toàn, cần có ngân sách tài trợ cho các hiệp hội xây dựng hệ sinh thái thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, cần tính toán hỗ trợ khâu tiêu thụ, bởi doanh nghiệp có chứng nhận chất lượng hữu cơ, VietGAP hiện còn rất nhỏ so với thị trường. 

Bên cạnh hỗ trợ tài chính, một giải pháp đang được TP.HCM áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp là siết chặt việc kiểm tra an toàn thực phẩm. Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Đào Khánh Phong Lan cho biết, TP.HCM đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm ở chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn. Dựa vào quy định pháp luật như quy định về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ... thời gian tới thành phố sẽ làm nghiêm hơn nữa để hạn chế thực phẩm kém chất lượng từ các tỉnh đưa về, những sản phẩm không đạt chất lượng phải xử lý.

Để có "đất sống" rộng hơn nữa cho thực phẩm sạch, cần có sự chung tay của nhiều phía. Trong đó, nên quy định trách nhiệm của ban quản lý các chợ, siêu thị, thương lái, ban tổ chức các sự kiện thương mại trong việc kiểm soát nguồn gốc và bán hàng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan trọng hơn, theo TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cần sớm ban hành quy định bắt buộc các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi phải theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP. Ban hành điều kiện kinh doanh và nâng cấp tiêu chuẩn vệ sinh với các chợ đầu mối, cảng, chợ cá...

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng, an toàn thực phẩm phải được thực hiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu dùng. "Mỗi thành phần trong chuỗi thực phẩm an toàn không nên chỉ quan tâm đến mình mà phải quan tâm và chia sẻ với các khâu khác trong chuỗi bởi nếu đầu vào không an toàn thì đừng mong đầu ra có sản phẩm an toàn. Các doanh nghiệp cần hỗ trợ và chia sẻ có lợi ích cùng hưởng, có rủi ro cùng gánh vác với nông dân để sự gắn kết, hợp tác được bền vững", ông Hoan nhấn mạnh.

Hồng Nga