Chứng khoán vẫn nỗ lực phục hồi
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:00, 27/10/2022
Nỗ lực phục hồi
Cuối tháng 9 và trong những phiên đầu tháng 10 vừa qua, TTCK đã trải qua giai đoạn bán tháo, với mỗi phiên giảm từ 3-4% với hàng trăm mã giảm sàn, biến VN-Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất thế giới, do ảnh hưởng từ lãi suất tăng vọt, sự cố tại SCB, cũng như những tin đồn tiêu cực liên tục xuất hiện. Ngay cả các nhóm ngành, cổ phiếu cơ bản tốt cũng bị bán dồn dập, trong đó nhóm ngân hàng vốn chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trong chỉ số chung, cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, sau 5 tuần liên tiếp giảm, nhiều cổ phiếu không thể giảm sâu thêm, trong khi tâm lý nhà đầu tư cũng đã dần bình tâm lại. Thậm chí đã có dấu hiệu dòng tiền bắt đáy xuất hiện tại một số nhóm ngành, mã cổ phiếu có dự báo kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực. Trong khi đó, việc điều chỉnh chính sách tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước hẳn có những ảnh hưởng lên dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, vốn có xu hướng bị hút về những nền kinh tế phát triển trong thời gian qua. Khi gặp các căng thẳng chính trị, các yếu tố bất định thì nhà đầu tư thường giảm thiểu rủi ro bằng cách rút ra khỏi thị trường cận biên hoặc mới nổi.
Lạm phát nếu sớm đạt đỉnh sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường |
Đơn cử như iShares MSCI Frontier & Select EM ETF - quỹ ETF chuyên tập trung vào cổ phiếu thị trường cận biên và mới nổi, tiếp tục bán ròng cổ phiếu Việt Nam trong tuần từ ngày 30/9 - 14/10/2022. Cụ thể, Quỹ iShares đã không mua bất kỳ cổ phiếu nào mà lại bán 7 mã cổ phiếu trong giai đoạn này, trong đó có hơn 57.000 cổ phiếu HPG, 47.000 cổ phiếu POW, gần 31.000 cổ phiếu PVD. Danh sách bán còn có VCG (gần 27.000), VRE (22.000), VIC (11.000) và NVL (10.000).
Thông tin tốt xấu đan xen
Dù vậy, TTCK thời gian tới có thể nhận được một số yếu tố hỗ trợ như sau. Thứ nhất là các chỉ số chứng khoán Mỹ trong xu hướng tăng trở lại. Theo các chuyên gia kinh tế, dù CPI Mỹ công bố mới đây cho thấy lạm phát cao hơn dự kiến, nhưng một số dự báo tin rằng lạm phát đã có dấu hiệu tạo đỉnh và định giá thị trường đã rất rẻ, khó giảm sâu thêm nữa. Nếu lạm phát sớm tạo đỉnh, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kỳ vọng sẽ không quá mạnh tay như những tuyên bố gần đây của cơ quan này.
Nỗi lo lãi suất điều hành có thể tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm nay vẫn còn đó, sẽ là yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm. Áp lực trái phiếu đáo hạn gia tăng từ quý IV cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên TTCK.
Đối với tình hình trong nước, việc giá hàng hóa thế giới giảm đáng kể gần đây cũng khiến giới đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ sớm tạo đỉnh và đi xuống. Nhiều tổ chức tài chính dự báo mức lạm phát trong năm sau chỉ ở mức 4%. Giới đầu tư cho rằng dù xu hướng tăng lãi suất vẫn tiếp diễn, song mức tăng sẽ không quá mạnh. Điều này là tín hiệu tích cực cho TTCK.
Đáng chú ý là lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng nối tiếp xu hướng điều chỉnh từ tuần trước, tiếp tục giảm mạnh các kỳ hạn ngắn vào đầu tuần này, sau khi Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản hỗ trợ hệ thống. Tuy nhiên, nỗi lo lãi suất điều hành có thể tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm nay vẫn còn đó, sẽ là yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm.
Áp lực trái phiếu đáo hạn gia tăng từ quý IV cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên TTCK. Theo ước tính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý IV đạt mức 58.840 tỷ đồng, giảm 9,1% so với quý trước, tăng gần 88% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, ước tính có khoảng 142.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại.
Trong ngắn hạn, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang bước vào giai đoạn cao điểm, có thể trở thành yếu tố quan trọng hỗ trợ TTCK trong bối cảnh hiện nay. Với mức nền thấp trong quý III năm ngoái, các dự báo cho thấy phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh trong kỳ báo cáo này, dĩ nhiên sẽ vẫn có một số ít nhóm ngành, doanh nghiệp đi ngược xu hướng chung, mà ngành thép là một ví dụ.