Tính đa dạng và hòa nhập trong doanh nghiệp tạo điều kiện làm việc cho tất cả mọi người

Xu hướng - Ngày đăng : 09:52, 27/10/2022

Tính đa dạng và hòa nhập có lợi cho doanh nghiệp (DN) và nên là một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh của DN. Các chính sách thúc đẩy tính đa dạng và hòa nhập cần được ưu tiên, trong đó cần đặc biệt chú ý đến hoàn cảnh của trẻ em, lao động trẻ và lao động là cha mẹ ở nơi làm việc.
Tính đa dạng và hòa nhập trong doanh nghiệp tạo điều kiện làm việc cho tất cả mọi người

Đó là nhận định của bà Anjanette Saguig - Trưởng phòng Chính sách Xã hội và Quản trị của UNICEF Việt Nam tại buổi hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy yếu tố đa dạng và bao trùm trong kinh doanh bền vững thời đại số hóa”. Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) tổ chức .

Tính đa dạng của doanh nghiệp không chỉ là bao gồm nhiều sản phẩm và dịch vụ

Thời gian qua, các DN lớn trên thế giới đã tích cực đưa tính đa dạng và hòa nhập vào hoạt động kinh doanh. Đây được xem là xu thế tất yếu trong việc xây dựng văn hóa DN và cũng là tiền đề quan trọng giúp DN phát triển bền vững.

Bà Anjanette Saguisag cho biết, theo định nghĩa của UNICEF, tính đa dạng tập hợp nhiều đặc điểm chung và riêng của cá nhân và nhóm người, bao gồm các đặc điểm về độ tuổi, ngoại hình, tính cách, xu hướng tính dục, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống… Trong khi đó, sự hòa nhập là những biện pháp được thực hiện để tất cả các thành viên trong cộng đồng cảm thấy được hoan nghênh và có thể tham gia bình đẳng vào các hoạt động chung.

Đối với DN, thúc đẩy tính đa dạng và hòa nhập là tạo điều kiện cho tất cả mọi người thuộc nhiều độ tuổi, giới tính, tôn giáo, vùng miền… khác nhau có cơ hội tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách bình đẳng, đồng thời xóa bỏ phân biệt đối xử và định kiến ở nơi làm việc.

-7401-1666838562.jpg

Tọa đàm "Thúc đẩy nhân tố đa dạng, hòa nhập vào văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hóa" nằm trong khuôn khổ của buổi hội thảo

Làm rõ vấn đề này, bà Đinh Thị Thu Hoài - Giám đốc điều hành Mạng lưới DN Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) cho hay, những DN và hệ thống quản trị tiên tiến trên thế giới luôn đặt con người làm trung tâm trong hoạt động kinh doanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

“Trước đây, khi nghĩ đến phát triển bền vững, chúng ta sẽ nghĩ đến bảo vệ môi trường, ổn định tài chính… Tuy nhiên, phát triển bền vững phải bao gồm cả việc ủng hộ quyền trẻ em và bình đẳng giới - hai vấn đề quan trọng liên quan đến việc thúc đẩy tính đa dạng và hòa nhập cho DN”, bà Hoài nhận định.

Đồng quan điểm với bà Hoài, bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Nhân sự toàn quốc của ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, nhận thức về yếu tố đa dạng của các DN còn hạn chế. Các DN chỉ nghĩ đa dạng là phải có nhiều ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ… Tuy nhiên, sự đa dạng còn thể hiện qua việc trao quyền, tin tưởng, tạo điều kiện để tất cả mọi người dù thuộc độ tuổi, giới tính, tôn giáo, vùng miền… nào cũng có thể tham gia đóng góp xây dựng DN”.

Môi trường làm việc không định kiến tạo mối quan hệ tốt giữa người lao động và chủ doanh nghiệp

Nhận định về lợi ích của việc gắn kết yếu tố đa dạng, hòa nhập vào hoạt động vận hành DN, bà Anjanette Saguisag nhận định, môi trường làm việc không định kiến sẽ tạo nên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa người lao động và DN.

Cụ thể, khi được tôn trọng và tạo cơ hội làm việc bình đẳng, người lao động thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau có thể phát huy tối đa năng lực bản thân. Nhờ vậy, họ sẽ nỗ lực làm việc và gắn bó lâu dài với công ty. Khi nhân viên làm việc có động lực thì năng suất sẽ cải thiện, DN được hưởng lợi vì doanh thu sẽ gia tăng.

Theo bà Nguyễn Minh Ngọc - Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), đối với đội ngũ quản lý, lãnh đạo, tính đa dạng sẽ mang đến những góc nhìn phong phú, giúp nắm bắt nhanh chóng nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh của DN trên thị trường.

Bà Ngọc chia sẻ: “Ở SASCO, lao động nữ chiếm 54% và gần 60% người nắm giữ các vị trí quan trọng của công ty là nữ giới. Chúng tôi không phân biệt giữa nam và nữ trong các cơ hội học tập, đào tạo, thăng tiến hay bất kỳ sự đãi ngộ nào của công ty. Đó cũng là một tiêu chí quan trọng góp phần giúp SASCO liên tiếp nằm trong Top 10 DN phát triển bền vững tại Việt Nam trong chương trình thực hiện bởi VCCI”.

Mặt khác, DN có yếu tố đa dạng văn hóa sẽ được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm nhiều hơn. Từ đó, DN có thêm cơ hội thâm nhập và mở rộng hoạt động tại thị trường nước ngoài.

Bà Anjanette Saguig - Trưởng phòng Chính sách Xã hội và Quản trị của UNICEF Việt Nam với bài trình bày:

Bà Anjanette Saguig - Trưởng phòng Chính sách Xã hội và Quản trị của UNICEF Việt Nam với bài trình bày: "Đưa đa dạng và hòa nhập vào DNA của DN".

Bắt đầu từ những hành động nhỏ mang thông điệp ủng hộ sự khác biệt của mọi người

Theo các diễn giả, việc lồng ghép yếu tố đa dạng, hòa nhập vào văn hóa VN, đồng thời xóa bỏ định kiến với các nhóm cộng đồng như phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật… là một hành trình lâu dài, cần DN phải có chiến lược cụ thể.

Bà Thanh Hương nhận định, sự đa dạng và hòa nhập phải bắt đầu từ chính tư duy của ban lãnh đạo DN. Theo đó, bản thân các lãnh đạo phải tạo điều kiện để trao quyền tham gia vào hoạt động của công ty cho tất cả người lao động. 

Ngoài ra, phải tìm cách thống kê tỷ lệ nam nữ trong ban lãnh đạo và trong các hoạt động khác nhau của DN. “Phải thống kê xem tỷ lệ này có hài hòa hay chưa? Nếu chưa thì có cách gì khắc phục không? Tại Manpower, chúng tôi quy định tối thiểu 40% thành viên ban lãnh đạo là nữ, nếu không đủ thì phải có lộ trình thăng tiến để đạt chỉ tiêu và phải có tư duy như vậy mới có thể xây dựng yếu tố đa dạng trong DN”, bà Hương khẳng định.

Bà Hương cũng cho biết, một số DN trên thế giới có những cách làm rất ý nghĩa như xây dựng khu vực riêng để lao động nữ có con có thể nghỉ ngơi, treo cờ ủng hộ sự đa dạng giới và xu hướng tính dục tại những khu vực quan trọng trong công ty, hay tạo lối đi thuận tiện dành cho người khuyết tật… Đây là những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mang thông điệp ủng hộ sự khác biệt của tất cả mọi người.

Riêng trong vấn đề tuyển dụng, bà Hương lưu ý: “Việc ưu tiên ứng cử viên theo giới tính, độ tuổi, vùng miền… sẽ ko giúp DN có sự đa dạng. Cách làm này là không phù hợp với tình hình hiện tại, đặc biệt là với lao động trẻ. DN nên chào đón tất cả mọi người, miễn sao có năng lực và tinh thần sẵn sàng cống hiến”.

Mặc khác, bà Anjanette Saguisag cho rằng những chính sách ủng hộ sự đa dạng và hòa nhập phải được thực hiện xuyên suốt. “Những hành động này được thực hiện trong suốt vòng đời của nhân viên, từ khâu tuyển dụng cho đến phát triển và giữ chân nhân sự. Qua đó, DN giúp nhân viên có cảm giác họ được là chính mình ở nơi làm việc, nhu cầu của họ được DN quan tâm, thấu hiểu và đáp ứng trọn vẹn”, bà Anjanette Saguisag kết luận. 

Hoàng Giang - Kim Ngân