9 dấu hiệu thể hiện năng lực lãnh đạo yếu kém
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 00:00, 27/10/2022
Ảnh: Emorybusiness |
1. Lười thay đổi
Thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống, đây là "câu thần chú" mạnh mẽ mà hầu hết các nhà lãnh đạo thành công đều áp dụng. Các nhà lãnh đạo vĩ đại hiểu rằng thay đổi là một phần tất yếu của sự phát triển. Một doanh nghiệp đôi khi cần thay đổi cách vận hành để phù hợp với xu thế nhằm đạt được những thành quả mới.
Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo yếu kém không bao giờ muốn thay đổi, họ không muốn và không dám rời khỏi vùng an toàn của mình. Họ tin rằng nếu một thứ gì đó không bị hỏng thì thực sự không cần phải sửa, nhưng thật đáng tiếc nếu thứ họ tin vào không phát huy hết tiềm năng của nó. Dẫu biết thay đổi đi kèm với một mức độ rủi ro nhất định, nhưng điều đó có khi mang lại cơ hội lớn hơn.
Nếu người đứng đầu sẵn sàng nhìn nhận và vượt ra khỏi phạm vi giới hạn mà họ đã xây dựng xung quanh, họ mới thể hiện được khả năng lãnh đạo.
2. Luôn phục vụ lợi ích cá nhân
Những nhà lãnh đạo kém luôn đặt những lợi ích của bản thân mình lên trên lợi ích của tập thể. Họ thường chỉ tập trung vào việc thăng chức, thâm chí làm những việc không đúng để nhận được mức thù lao hậu hĩnh hơn hiện tại.
Những người đứng đầu này luôn đưa ra quyết định nhằm thu lợi về phía cá nhân và chẳng bao giờ quan tâm đến cảm xúc cũng như hậu quả mà những người dưới quyền họ phải đối mặt.
Đây là đặc điểm của một người sếp ích kỷ. Không sớm thì muộn, doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ họ.
3. Sợ bị chỉ trích
Là lãnh đạo hay bất cứ ai, bị chỉ trích là điều khó tránh khỏi dù có muốn hay không. Đôi khi, lời chỉ trích này sẽ xuất hiện dưới dạng phản hồi mang tính xây dựng, đôi khi là những lời nói khó nghe.
Cách một nhà lãnh đạo phản ứng với một trong hai điều trên sẽ cho thấy họ là kiểu người lãnh đạo nào. Nếu họ coi lời chỉ trích này là cơ hội để phát triển, thì đây là dấu hiệu của một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng - một người sẵn sàng học hỏi từ những sai lầm để ngăn chúng tái diễn.
Tuy nhiên, nếu những ý kiến không được tiếp thu mà chỉ có sự tức giận và coi thường thì người sếp này chắc chắn là người kém cỏi.
Những cá nhân sợ phản hồi và chỉ trích là dấu hiệu của sự yếu kém, vì vậy họ làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh phải đối mặt, và chỉ duy trì chung quanh cấp dưới ưa xu nịnh và sẵn sàng bảo vệ họ một cách mù quáng.
4. Ích kỷ
Dễ dàng xác định được những nhà lãnh đạo kém khi họ muốn tất cả thế giới luôn phải xoay quanh họ và những nỗ lực của tập thể đều phải hướng đến thành công của chính họ.
Tệ hơn, những cá nhân này không bao giờ muốn bị coi là yếu kém, vì vậy họ không ngại đổ lỗi cho đồng đội về những sai lầm của mình. Những người lãnh đạo này cũng có thể đưa ra quyết định mà không cần sự biểu quyết của tập thể, nhưng khi mọi thứ trở nên tồi tệ, họ sẵn sàng quy hết trách nhiệm cho người khác.
Đặc điểm ở kiểu người này này là nỗi ám ảnh về việc luôn luôn đúng. Với phong cách lãnh đạo trên, một môi trường làm việc độc hại là điều khó tránh khỏi.
5. Không có những giá trị cốt lõi
Mỗi nhà lãnh đạo vĩ đại đều sống dựa trên tập hợp các giá trị cốt lõi thường được phản ánh trong phong cách lãnh đạo của họ. Những giá trị này xác định cách họ quan hệ với mọi người và cách họ phản ứng với từng tình huống nhất định.
Tuy nhiên, khi một người điều hành thiếu đi những giá trị cốt lõi, họ sẽ dễ bị lay động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Những giá trị cốt lõi định hình hành vi của chúng ta, vậy bạn mong đợi điều gì từ một nhà lãnh đạo không hiểu gì về giá trị cốt lõi của bản thân?
Những người lãnh đạo này sẽ đưa ra các quyết định không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên trong nhóm mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ công ty hoặc tổ chức nói chung.
6. Không giao tiếp
Một nhà lãnh đạo giao tiếp tốt sẽ giúp các thành viên tạo gắn kết, cho phép dòng chảy tự do của các ý tưởng sáng tạo, từ đó khuyến khích sự đổi mới.
Giao tiếp là "linh hồn" của làm việc nhóm, khi "linh hồn" đó không tồn tại, nhiều vấn đề từ đó sẽ phát sinh.
Những nhà lãnh đạo yếu kém thường không tích cực lắng nghe, luôn muốn ý tưởng của mình phải được ưu tiên thực hiện, còn của người khác sẽ bị họ ngó lơ.
Nếu bạn nhìn thấy một nhà lãnh đạo thiếu năng lực giao tiếp, chắc chắn họ sẽ không thể tại vị lâu.
7. Biết tất cả mọi thứ?
Hoàn toàn không có vấn đề gì khi bạn thật sự biết mọi thứ, thậm chí điều đó đáng hoan nghênh. Vậy tại sao một người sếp tồi luôn cố gắng khiến các nhân viên nghĩ rằng họ biết mọi thứ?
Những nhà lãnh đạo vĩ đại nhận thức được rằng hiểu biết của họ chưa bao giờ là đủ. Trên thực tế, những người này thường tò mò về mọi khía cạnh liên quan đến công việc đang thực hiện, điều này giúp họ luôn nắm bắt đầy đủ mọi thông tin cần thiết.
Với những nhà lãnh đạo yếu kém thì khác, họ không những thiếu hiểu biết mà lại hay tỏ vẻ ngược lại. Chính sự “ảo tưởng” và sĩ diện này sẽ nhanh chóng “giết chết” một công ty.
8. Bỏ sót tài năng
Điều làm nên một nhà lãnh đạo tài ba là khả năng nhìn thấu năng lực nổi bật của người khác, giúp họ phát huy chúng một cách tối đa, đặc biệt từ những cá nhân được coi là tầm thường, thậm chí là "vô dụng".
Những nhà lãnh đạo thiếu năng lực thường không biết hoặc không quan tâm đến việc phát triển tài năng của những người xung quanh. Đối với họ: “Tài năng và kỹ năng của tôi là đủ.” Điều này sẽ đúng cho tới khi doanh nghiệp thật sự gặp khó khăn và họ nhận ra chỉ bản thân họ thôi là chưa đủ.
9. Thiếu tự tin
Một điều mà tất cả chúng ta vô thức tìm kiếm ở một người lãnh đạo chính là sự tự tin. Sẽ ra sao nếu bạn được dẫn dắt bởi một cá nhân luôn nghi ngờ về bản thân họ? Người này sẽ dẫn dắt cả tập thể đi tới đâu?
Thực tế, sự thiếu tự tin sẽ khiến bạn không thể dẫn đầu, bởi sẽ chẳng ai dám tin và theo bạn cả. Vì vậy, nếu khao khát trở thành nhà lãnh đạo vào một ngày nào đó, việc xây dựng sự tự tin và nhận thức cho bản thân là điều nên được thực hiện ngay hôm nay.