Xây dựng nguồn nhân lực thấm nhuần văn hóa Hồ Chí Minh
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 29/10/2022
Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng các doanh nghiệp (DN) nên áp dụng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong công ty để lãnh đạo và công, nhân viên được tiếp xúc, học tập. Vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy đánh giá cao việc làm của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khi xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay tại cơ quan tạp chí. Không chỉ thế, tập thể Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức đi về nguồn ở Đồng Tháp, tổ chức Thư viện số… - những hoạt động thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh tưởng như rất hàn lâm và cầu kỳ nhưng thực tế đã được Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ứng dụng giản dị và hiệu quả.
Ông Hải cũng khẳng định: “Đối với DN tư nhân, dù có hay không tổ chức Đảng, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại DN là trăm lợi chứ không hại. Những việc làm đó có ý nghĩa động viên, có tác động lớn đến nhận thức, tình cảm của người lao động”.
Ông đề xuất thêm, việc xây dựng những không gian vật chất tại DN có thể là góc trưng bày về tranh ảnh, sách báo liên quan tới Bác Hồ hay là tổ chức các buổi chiếu phim, kịch ở văn phòng… những việc làm này không hề khó, với điều kiện của mình, các DN hoàn toàn có thể trưng bày một góc như thế trong cơ quan.
Việc chia sẻ những giá trị về tư tưởng của Hồ Chí Minh, giúp thấm sâu những đức tính tốt đẹp của Bác vào từng người lao động, có tác động tích cực đối với hiệu quả hoạt động của của DN. Doanh nghiệp có lợi thì người lao động cũng sẽ có lợi tương tự. Đó là mối quan hệ hai chiều giữa người lao động và doanh nghiệp trong việc thực hiện học tập theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Bên canh việc chú trọng xây dựng văn hóa công sở của ông Nguyễn Minh Hải, bà Huỳnh Thị Anh Thư - Giám đốc Công ty CP giáo dục “Con sẽ là” cho rằng việc đào tạo nhân tài cần được chú trọng từ các trường trung học phổ thông.
Bà Huỳnh Thị Anh Thư khuyến khích các chủ DN nên là người chịu khó học tập để làm gương - Ảnh: Thanh Lâm. |
Bà cho biết, với kinh nghiệm 30 năm trong nghề, từ lâu bà đã quan tâm đến việc đào tạo nhân lực và từng đưa học sinh đến tham quan hoạt động sản xuất của DN, bà thấy được các học sinh và giáo viên đã ngạc nhiên khi chứng kiến quy trình sản xuất thực tế của DN. Chính vì vậy, bà Anh Thư nhận định đây là sự thiếu sót trong việc giáo dục và đào tạo nhân lực để trẻ em có thể mục kích thực tế và lựa chọn con đường của mình dễ dàng hơn.
“Hiện tại, chúng ta nên thúc đẩy mạnh hơn công việc giáo dục nguồn nhân lực cho chủ DN và chính chủ DN cũng phải là người chịu khó học nhất, vừa để thích ứng với thời đại, vừa để làm gương cho nhân viên” - bà Anh Thư chia sẻ. Bà đề xuất nên trang bị tư duy sáng tạo cho nguồn nhân lực bắt đầu từ trường phổ thông đến cộng đồng công nhân, nhân viên, để khi cần học có thể giải quyết vấn đề một cách linh hoạt hơn.
Như vậy thì việc đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai qua học thuyết và các hoạt động trải nghiệm thực tế là cần thiết để nguồn nhân lực có thể theo kịp sự phát triển và thay đổi của thế giới.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững kiến nghị UBND TP.HCM nên phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, một số đại học, trung tâm nghiên cứu) lập bộ hồ sơ năng lực kinh tế và DN TP.HCM trong 30 năm qua và 20 năm tới để chào mời đối tác trong và ngoài nước, trong đó nên làm nổi bật vai trò của DN TP.HCM.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng nên tận dụng nguồn nhân lực từ Việt kiều và nước ngoài - Ảnh: Thanh Lâm. |
Bên cạnh đó ông cũng đề xuất cần phải tiếp cận các nguồn lực có sẵn, “Nhân lực không chỉ ở trong nước hay ở TP.HCM mà chúng ta nên mời gọi Việt kiều và nhân lực từ nước ngoài nữa. Tôi mong muốn thành phố có thể tập hợp được các nguồn nhân lực, trong đó có các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia thực sự giỏi, có tầm có tâm, có trách nhiệm xã hội để họ giúp sức, đóng góp xây dựng đất nước”.
Câu chuyện nhân lực và xây dựng văn hóa doanh nghiệp là vấn đề cấp thiết nhưng cũng là thế mạnh của Thành phố, bởi vì TP.HCM là nơi có hệ thống các trường đào tạo chất lượng cao trong cả nước...hoàn toàn có thể giúp nâng cao trình độ của người lao động.
Để làm được những điều trên, DN thành phố cần phải xây dựng các chuẩn mực đạo đức và văn hoá kinh doanh tốt đẹp, lấy đó làm nền tảng cho cộng đồng DN học tập và làm theo. Hình ảnh thành phố mang tên Bác có trường tồn hay không, vươn xa hay không, một phần nhờ sức mạnh chung tay của đội ngũ doanh nhân TP.HCM.