Giải pháp phát triển trên sàn TMĐT cho các doanh nghiệp SME

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:26, 01/11/2022

Thương mại điện tử (TMĐT) đang là bệ phóng cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME), tuy nhiên, áp lực về tài chính vẫn đang thách thức nhóm DN này.
Giải pháp phát triển trên sàn TMĐT cho các doanh nghiệp SME

Áp lực tài chính là cản ngại lớn nhất khiến nhiều DN SME khó phát triển

Áp dụng 4 xu hướng kinh doanh để tiếp cận khách hàng

TMĐT là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất Việt Nam hiện nay. Theo báo cáo chỉ số TMĐT EBI năm 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đạt trên 20%, với quy mô trên 16 tỷ USD và sẽ tăng cao hơn trong năm nay. Dự báo, thị trường TMĐT có thể tăng gấp 4 lần năm 2020, lên đến 52 tỷ USD trong năm 2025.

Theo các chuyên gia, xu hướng kinh doanh trên các kênh TMĐT quen thuộc như Facebook, Livestream, sàn TMĐT hay Tik Tok Shop rất phù hợp với loại hình DN bán lẻ như thời trang, mẹ và bé, mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại, hàng công nghệ... Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường TMĐT mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều cạnh tranh hơn cho các DN SME. 

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc Marketing Công ty CP công nghệ Haravan cho rằng, thị trường TMĐT trong giai đoạn này được dự báo sẽ rất cạnh tranh khi các dịp lễ tương đối gần nhau. Ông Tấn cho biết có 4 xu hướng kinh doanh được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích, và khuyên các DN SME nên ứng dụng 4 mô hình này để tiếp cận khách hàng. Đó là mô hình bán lẻ đa kênh Omnichannel (kết hợp bán hàng online với online), kinh doanh D2C (bán hàng trực tiếp đến khách hàng), “thương mại hội thoại” và “livestream trên các trang mạng xã hội” kết hợp với các KOL (người có tầm ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có tầm ảnh hưởng). 

-9230-1667274607.jpg

Sản phẩm của các doanh nghiệp SME đang có nhiều cơ hội trên các sàn TMĐT

Áp dụng công nghệ quản lý tốt dòng tiền

Các số liệu thống kê cho thấy, hộ kinh doanh cá thể, DN SME là “xương sống” của nền kinh tế, với tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 30% hằng năm. Cụ thể, năm 2017, tỷ trọng đóng góp GDP của nhóm các hộ kinh doanh cá thể, DN SME là 29,3%, năm 2021 tỷ lệ này tăng lên  29,6%.  Dự báo, lượng khách hàng của nhóm DN này có thể tăng lên đến 37 triệu trong vòng 10 năm sắp tới.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Lê Tiền Nghệ - Giám đốc sản phẩm Ngân hàng Kasikorn (Kbank), dù kinh tế tăng trưởng và TMĐT làm bệ đỡ nhưng các DN SME vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 DN, trong đó 97% là DN SME. Tuy nhiên, 41% DN SME đang đứng trước tình thế khó tiếp cận vốn vay. 

Thông thường, các DN sẽ tìm đến sự hỗ trợ tài chính ở phía ngân hàng nhưng hiện tại lãi suất tiền gửi tăng cao dẫn đến lãi suất cho vay tăng theo, khiến các DN SME thêm ngần ngại. 

Để gỡ áp lực về tài chính, ông Lê Anh Tuấn - nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Firstcom Digital cho rằng, muốn tăng trưởng kinh doanh trên TMĐT, DN cần xác định rõ nhóm đối tượng phù hợp với phân khúc sản phẩm và kênh bán tương ứng với đối tượng hướng đến. Bên cạnh đó, DN nên kiểm soát dòng tiền hiệu quả trước thực tế vay vốn bắt đầu khó và nhu cầu mua sắm có thể giảm khi xảy ra lạm phát, khiến biên lợi nhuận có nguy cơ giảm và những rủi ro về hàng hóa, tiền bạc sẽ phức tạp hơn. 

“Để quản lý tốt dòng tiền, mỗi DN cần thiết lập hệ thống tính chính xác số tiền chi thu định kỳ, nguồn tiền xoay chuyển. Nên triệt để áp dụng công nghệ trong quản lý kho, quản lý đơn, dự báo nhu cầu. Việc sử dụng tốt công nghệ sẽ giảm tải các sai sót, kịp thời phát hiện rủi ro và có cơ sở chuẩn bị nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, cân nhắc tiến độ nhập hàng phù hợp và thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường trong thời kỳ biến động và thời điểm “vàng” cuối năm nay”, ông Lê Anh Tuấn tư vấn. 

Hồng Nga