57% doanh nghiệp cam kết thực hành ESG đều là FDI
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 09:00, 03/11/2022
Các doanh nghiệp cam kết thực hành ESG (57%) đều có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) |
ESG là cụm chữ viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là bộ tiêu chuẩn nhằm đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp sở hữu điểm số ESG cao đồng nghĩa với năng lực thực hành ESG tốt.
Thuật ngữ này đã ra đời từ lâu, nhưng việc đầu tư vào các doanh nghiệp tuân thủ ESG vẫn luôn nhận được những ý kiến trái chiều trong nhiều năm, do bị lợi ích kinh tế chi phối khi đặt lên bàn cân. Cho tới khi đối mặt với đại dịch Covid 19, việc phát triển bền vững dựa theo ESG không còn đơn thuần là lựa chọn, đó là hành động bắt buộc mang tính sống còn của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, PwC Việt Nam và Viện thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) đã phối hợp thực hiện một cuộc khảo sát từ tháng 5 đến tháng 8/2022 trong Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022. Báo cáo này nhằm tìm hiểu cách thức các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến ESG. Họ đang ở đâu trên hành trình thực hành này? Cần những hỗ trợ gì để thúc đẩy việc thực hành ESG?
80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG
Về tổng thể, ESG có lẽ vẫn là một mục tiêu quá tầm với các doanh nghiệp Việt, song thực tế có tới 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết thực hành ESG trong vòng 2-4 năm tới. Tuy vậy, đa phần các doanh nghiệp đã cam kết kể trên (57%) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có lẽ đã áp dụng cách tiếp cận “quan sát và chờ đợi” khi hơn một nửa (58%) cho biết họ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần.
Điều thú vị là 40% doanh nghiệp tư nhân và gia đình được khảo sát khẳng định họ đã đặt ra các cam kết ESG. Con số này nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của "Thế hệ kế nghiệp Việt Nam" và niềm tin của họ về việc các doanh nghiệp gia đình nên dẫn đầu trong các hoạt động kinh doanh bền vững.
Andrew Chan - Lãnh đạo Phát triển bền vững & Biến đổi khí hậu Đông Nam Á, Chiến lược bền vững & Chuyển đổi, PwC Trung tâm bền vững châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: “Hiểu rõ về ESG mà thiếu cam kết hoặc ngược lại thì đều là vô nghĩa. Để xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn và bền vững hơn, chúng ta cần sự cam kết tập thể và hợp tác giữa nhiều bên liên quan, bao gồm cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nhân, cơ quan quản lý, chính phủ cũng như giới truyền thông”.
Báo cáo cũng nêu rõ lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG là hình ảnh thương hiệu và danh tiếng (82% người tham gia khảo sát), tiếp tới là duy trì tính cạnh tranh (68%). Những yếu tố còn lại bao gồm việc giữ chân người lao động, thu hút nhân tài, cuối cùng là áp lực từ nhà đầu tư, cổ đông và Chính phủ.
60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) |
Vẫn tồn tại khoảng cách từ cam kết đến hành động
Mặc dù cam kết của doanh nghiệp đối với ESG ở mức đáng khen ngợi, kết quả cho thấy vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và thực tế.
Dựa vào báo cáo, 66% doanh nghiệp cho biết đang triển khai chương trình ESG, 49% doanh nghiệp đã thiết lập cơ cấu quản trị các vấn đề ESG, 35% có sự tham gia tích cực của Hội đồng quản trị về các vấn đề ESG.
Tuy vậy, chỉ 28% có các chỉ số đo lường rủi ro ESG rõ ràng để theo dõi tiến trình, đặc biệt 71% chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.
Cũng theo khảo sát, 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nguyên nhân chính được cho là do việc thiếu kiến thức khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện hay cam kết nào liên quan đến ESG.
Gần 70% người tham gia khảo sát thừa nhận họ gặp khó khăn do thiếu các quy định minh bạch. Hơn một nửa (52%) cho biết chất lượng công bố thông tin và nhận thức của đối tác về các yếu tố ESG còn thấp cũng là thách thức hàng đầu khi kết hợp các yếu tố ESG vào khung đánh giá rủi ro của tổ chức.
Việc tồn tại quá nhiều thông tin ESG song chưa rõ ràng có thể khiến các doanh nghiệp còn e ngại. Kết quả trên chỉ ra cần nhanh chóng triển khai các cuộc thảo luận chủ động và tích cực giữa Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp SME vốn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Đinh Hồng Hạnh - Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn rủi ro PwC Việt Nam nhận định: “Các vấn đề ESG sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách của Chính phủ và định hướng của doanh nghiệp. Việt Nam cần phải có cách tiếp cận theo hai hướng để thúc đẩy việc thực hiện ESG trên cả nước.
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần xác định các mục tiêu chiến lược về ESG và lộ trình để thực thi nhằm đạt được những lợi ích bền vững. Thứ hai, các cơ quan nhà nước và cơ quan quản lý phải xây dựng chính sách và quy định rõ ràng nhằm hỗ trợ các công ty trong việc tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh của mình".