Văn hóa kinh doanh và khát vọng phát triển của doanh nhân Thành phố
Quản trị - Ngày đăng : 06:29, 03/11/2022
Trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân thành phố với xã hội
Sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân đối với Đảng bộ, nhân dân thành phố rất đáng ghi nhận, tạo điều kiện để đội ngũ lao động được đào tạo việc làm, có tay nghề cao, thu nhập ổn định, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động, tham gia có trách nhiệm các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, vì cuộc sống cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đặc biệt dịch bệnh Covid-19 kéo dài 2 năm qua làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị xáo trộn và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đợt dịch lần thứ 4, với tinh thần “tương thân tương ái”, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh luôn phát huy truyền thống nghĩa tình, chung tay cùng chính quyền thành phố vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo an sinh xã hội. Đó là ủng hộ cho Quỹ Vắc xin ngừa Covid-19, đóng góp xây dựng bệnh viện dã chiến, vận động quyên góp cung cấp khẩu trang, vật tư y tế, hỗ trợ túi thuốc F0 giúp bệnh nhân điều trị tại nhà, chăm lo các bữa ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch… Nhiều doanh nghiệp trong ngành y tế (hệ thống y tế tư nhân) cử tình nguyện viên để hỗ trợ xét nghiệm, tiêm phòng, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến… Tổng giá trị hỗ trợ của các doanh nghiệp cho công tác phòng chống dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Nhiều chủ doanh nghiệp đã từng bước nâng cao về nhận thức chính trị, có sự tìm hiểu, phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng hoặc tạo điều kiện để thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể tại đơn vị của mình nhằm nắm bắt các chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của thành phố về phát triển kinh tế, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh. Không ít doanh nhân tích cực thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều việc làm thiết thực, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu doanh nghiệp, được tập thể tín nhiệm tuyên dương điển hình có sức lan tỏa tốt trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Thực vậy, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay được Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh “có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hóa kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”. Đặc điểm nổi bật của văn hóa dân tộc là coi trọng tư tưởng nhân bản, chuộng sự hài hoà, tinh thần cầu thị, ý chí phấn đấu tự lực, tự cường… đây là những ưu thế để xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc Việt Nam trong thời hiện đại.
Phải nhìn nhận rằng, đóng góp của đội ngũ doanh nhân trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội là rất lớn, họ sẵn sàng khẳng định vị trí, lòng tự hào dân tộc, đưa hàng Việt đến mọi miền đất nước, có mặt tại các cửa hàng, siêu thị ở những nước phát triển. Nhưng đâu đó chúng ta cũng thấy xuất hiện số ít doanh nghiệp bất chấp đạo đức kinh doanh, lợi dụng kẽ hỡ để trục lợi để buôn bán hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Đó là những việc làm rất đáng bị lên án.
Văn hóa kinh doanh và khát vọng phát triển của doanh nhân thành phố
Lịch sử đã chứng minh trong giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, doanh nhân với tinh thần dân tộc, yêu nước đã có nhiều đóng góp cho cách mạng và Nhà nước Việt Nam non trẻ. Ngày nay, phát huy tinh thần đó, bằng ý thức tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước, doanh nhân thành phố cần không ngừng hội nhập, tiếp thu những cách làm mới, sáng tạo, dám cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh với doanh nghiệp nước ngoài để nâng tầm sản phẩm, thương hiệu Việt Nam.
Việc chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại nơi làm việc, nơi sản xuất từ bản sắc văn hóa Việt Nam như trọng tình nghĩa, giữ chữ tín trong môi trường kinh doanh đầy tính cạnh tranh “mạnh được yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé” là hết sức đáng quý, điều này cũng góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại mỗi doanh nghiệp như là tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng; mặt khác đặc trưng về tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn cũng là truyền thống tốt đẹp mà mỗi doanh nhân càng phải thấm nhuần để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức của thương trường, nhất là trong giai đoạn chúng ta hội nhập sâu rộng hiện nay.
Chủ doanh nghiệp là người có vai trò quyết định trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp bởi họ ra quyết định và trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Họ trực tiếp giáo dục, thuyết phục và nêu gương cho mỗi cán bộ công ty, nhân viên của doanh nghiệp phần đấu xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải tập trung xây dựng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp, vì thương hiệu là kết tinh các giá trị văn hóa của từng thành viên và của cả doanh nghiệp vào trong từng sản phẩm của doanh nghiệp.
Về điều này, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn cùng với sự chủ động trong chuyển đổi số đã xây dựng ý tưởng và xúc tiến thực hiện Thư viện số Doanh nhân Việt Nam nhằm ghi nhận và tôn vinh doanh nhân - những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Đây cũng là kho dữ liệu về thông tin, tri thức và kinh nghiệm quý báu của cộng đồng doanh nhân Việt Nam được lưu giữ và truyền đạt lại cho các thế sau. Qua đó chúng ta sẽ biết được những doanh nhân ái quốc, có tinh thần dân tộc cao quý, luôn gìn giữ các ngành nghề truyền thống, uy tín thương hiệu Việt như Lương Văn Can, Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô... và những doanh nhân đương thời được Nhà nước, cộng đồng doanh nhân, người tiêu dùng vinh danh.
Hệ thống chính trị thành phố tiếp tục quan tâm “đồng hành cùng doanh nghiệp” vượt qua khó khăn của dịch Covid-19; thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động Nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nội dung “5 không”, trong đó có nội dung không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Điều này là hết sức cần thiết vì hiện nay chúng ta đang tập trung cải cách các thủ tục hành chính, số hóa các dữ liệu, nỗ lực cắt giảm các thủ tục đăng ký kinh doanh, kiểm định, xuất khẩu hàng hóa nhưng vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian gây khó khăn cho quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn như trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay thì thành phố cần có các chính sách hợp lý về gói hỗ trợ, miễn giảm thuế, ưu đãi vốn vay… Nếu làm tốt điều này, thủ tục hành chính không còn là gánh nặng đối với doanh nghiệp thì hiệu quả đạt được sẽ rất lớn, tạo thêm sự an tâm đối với người sản xuất, kinh doanh, giảm được giá thành hàng hóa đến với người tiêu dùng.
(*) Chuyên viên chính, Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP.HCM