Huế: Triển lãm bộ sưu tập áo dài xưa của một Việt kiều Đức

Đời thường - Ngày đăng : 08:13, 07/11/2022

Triển lãm "Áo dài xưa thời Nguyễn" vừa khai mạc hôm 6/11 tại Lan Viên Cổ Tích (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và kéo dài đến hết ngày 11/11/2022, trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2022.
Huế: Triển lãm bộ sưu tập áo dài xưa của một Việt kiều Đức

Khai mạc triển lãm "Áo dài xưa thời Nguyễn" tại Huế - Ảnh: Khám Phá Huế

Đơn vị tổ chức là Vietnam Design Group, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. Triển lãm trưng bày 12 áo dài xưa thời Nguyễn, thuộc bộ sưu tập của GS.TS. Thái Kim Lan, một Việt kiều sinh sống tại Đức.

Theo chia sẻ của bà Thái Kim Lan, bộ sưu tập này bao gồm các áo dài Huế đời thường từ chốn cố đô ngày trước của Việt Nam, từ áo của người dân, cung nữ đến áo của các bà công nương, phu nhân, kể cả mẹ vua, ông vua...Một phần những cái áo này được mẹ bà Thái Kim Lan chuyển sang Đức cho bà trong khoảng nửa thập niên 70, còn lại là số áo mẹ bà Thái Kim Lan mang sang Đức khi đoàn tụ cùng con gái hồi thập niên 80. Bà Thái Kim Lan bộc bạch: "Có được bộ sưu tập này là do công lao của mẹ tôi. Bà đã giữ vững ý chí của đứa con ở phương xa khẩn thiết yêu cầu: xin Mạ đừng bán những chiếc áo xưa mà giữ lại cho con!". 

Những chiếc áo dài trong bộ sưu tập của bà Thái Kim Lan được may hồi giữa thế kỷ 19 và 20, không giống với áo dài tân thời do họa sĩ tiên phong của trào lưu cách tân Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu và quảng bá, thường được gọi là áo Cát Tường hay áo Le Mur và cũng không hề giống với những chiếc áo cổ trần, thắt eo lưng ong do đạo diễn Thái Thúc Nha phát minh từ năm 1960, bắt đầu mốt thời trang đa sắc của thời hiện đại.

-3707-1667809812.jpg

Mẫu áo công nương dành cho các công chúa, quận chúa, phu nhân trong triều. Áo rộng tay dài dấu hiệu của quý tộc

-3108-1667809812.jpg

Mẫu áo gấm xanh rêu của phi tần thời Nguyễn 

Bộ sưu tập "Áo dài xưa thời Nguyễn" được bà Lan lưu giữ cẩn thận, minh họa lịch sử 300 năm của chiếc áo dài Việt Nam, khẳng định tính độc lập của một dân tộc từ phong tục, lễ nghi cho đến trang phục, đồng thời bộc lộ tính cách và truyền thống Việt. 

Đáng chú ý trong bộ sưu tập của GS.TS Thái Kim Lan là bộ long bào dành cho vua hoặc hoàng tử bằng vải gấm và tơ tằm cao cấp, có họa tiết hình rồng năm móng thể hiện sự uy nghiêm được làm ra vào khoảng đầu thế kỷ 20. Bên cạnh đó là bộ áo dài gấm xanh rêu của phi tần mặc trong những dịp tế lễ, thể hiện sự cao sang, tôn vinh dáng dấp quý phái của người phụ nữ xưa.

Hay áo mệnh phụ là chiếc áo tiêu biểu của thời Nguyễn, niên đại khoảng 1905. Áo được nhà vua ban cho các phu nhân của các quan trong triều được phong là đức hạnh. Đây là kiểu áo rộng khoác ngoài của cung đình thời Nguyễn với tay rộng và dài.

-3811-1667809812.jpg

Áo dài hoàng thái hậu - mẹ vua thời Nguyễn 

7-11-22-Khamphahue.jpg

GS. TS. Thái Kim Lan và nhà thiết kế Sĩ Hoàng trong buổi khai mạc triển lãm "Áo dài xưa thời Nguyễn" tại Huế - Ảnh: Khám Phá Huế

Xưa kia, từ vua cho đến những thường dân, ai cũng mặc áo dài, khi đi ngủ, khi đọc sách, khi ra vườn... khi ra khỏi nhà vài bước. Mặc áo dài cũng có nghĩa là được bày tỏ sự kính trọng với những người xung quanh, với không gian sống. Trong bộ sưu tập ấy, cổ nhất là mẫu áo xiêm từ đầu thời Nguyễn (thế kỷ 17).

Bộ sưu tập này được xem như là vết cắt một mảng đời 100 năm áo dài Việt Nam nói chung và áo dài Huế nói riêng. Bắc thì có áo tứ thân, Nam thì có áo bà ba, Huế thì có áo dài. Chiếc áo dài xuất thân từ Huế, bắt đầu với triều Nguyễn, trở nên quốc phục của người Việt cả nam lẫn nữ, từ hơn một thế kỷ, qua bao đổi thay cho đến bây giờ. 

Khi rời Việt Nam sang Đức du học (năm 1965), bà Thái Kim Lan đã mang theo chiếc áo dài từ thuở thiếu thời. Đến Đức, chiếc áo bỗng có một vai trò đại diện khác: làm nên vóc dáng người Việt. Theo bà, cảm nghiệm lúc ấy là cảm nghiệm về bản sắc, một thứ đồng nhất tính văn hóa. Dù có đổi sang Tây phục mười mấy năm, nhưng chiếc áo dài với bà vẫn còn y nguyên trong tâm thức là bản sắc Việt, khi được xuất hiện giữa đám đông xa lạ trở nên dấu ấn tự tin cho ta nhận diện mình là người Việt. 

Thủy Ngô