Cứu doanh nghiệp BĐS: Cần nhiều giải pháp
Bất động sản - Ngày đăng : 09:44, 08/11/2022
Ảnh:TN |
Doanh nghiệp “đói vốn”, phải vay lãi suất cao
Sáng 8/11, tại Văn phòng Chính phủ TP.HCM đã diễn ra cuộc họp giữa Chính phủ, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) với nhiều doanh nghiệp BĐS nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay.
Theo báo cáo của Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, thị trường BĐS hiện đang rất khó khăn và có nguy cơ suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đang sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, dẫn đến việc phải thực hiện tạm thời nhiều biện pháp để duy trì hoạt động.
Cụ thể, một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đang dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm số lao động hoặc giảm lương.
Vì “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên có doanh nghiệp BĐS phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đồng thời bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng).
Tuy nhiên, theo HoREA phân tích, việc bán dự án với “giá hời” sẽ tạo lợi thế cho các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính”, làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang hoạt động trên thị trường BĐS lâu nay.
Ảnh: TN |
Sửa đổi luật là giải pháp quyết định
Trước tình trạng trên, HoREA đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư, qua đó ổn định thị trường BĐS.
Giải pháp lớn nhất và có tính quyết định nhất là thực hiện Nghị quyết 18 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất”. Trong đó, các luật liên quan bao gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Phòng, chống rửa tiền.
Ngoài ra, HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nước nới trần tín dụng thêm khoảng 1-2%, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án vừa túi tiền và dự án nhà ở xã hội của các doanh nghiệp có uy tín, thanh khoản tốt, tăng nguồn cung nhà ở.
HoREA cũng đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân (không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định. Đồng thời, Chính phủ cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín và các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm có thể phát hành trái phiếu riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân.
Để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư cấp tỉnh thực hiện nhanh, thông thoáng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000.
Đối với đất nông nghiệp mà doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch để làm dự án nhà ở xã hội - do doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất - thì cho phép doanh nghiệp nhận chuyển nhượng chứng minh đã có quyền sử dụng đất mà không cần thiết phải trình UBND cấp tỉnh cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp, vì thủ tục này có tính hình thức.