Nâng cao năng lực quản trị và xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nhân TP.HCM

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 00:19, 10/11/2022

Với gần 500.000 doanh nhân, chiếm 1/3 doanh nhân của cả nước, chất lượng đội ngũ doanh nhân TP.HCM ngày càng nâng lên, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, công tác xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp (DN) và đội ngũ doanh nhân tại thành phố cũng còn một số hạn chế.

Xây dựng và thực thi văn hóa kinh doanh trong DN

Nổi bật trong số các hạn chế là văn hóa công sở và văn hóa kinh doanh; cốt lõi quan trọng nhất của văn hóa kinh doanh như thái độ, trách nhiệm, niềm tin, tiêu chuẩn chưa thực hiện được bài bản, rõ ràng. Thêm vào đó, còn bị tư tưởng ngại thay đổi, không dám đổi mới, vượt ra khỏi “vùng an toàn”. Từ đó làm ảnh hưởng khi xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam, cản trở DN hội nhập và thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu, khó có thể đột phá, phát triển kinh tế và nâng vị trí lên tầm cao mới.

Hoạt động sản xuất kinh doanh muốn phát triển bền vững, không chỉ đem lại giá trị cho chủ thể DN, mà còn mang lại giá trị chung xã hội. Chính vì vậy, đòi hỏi chủ thể DN phải xây dựng và thực thi văn hóa kinh doanh trong DN. Văn hóa kinh doanh là sự kết tinh của hệ thống giá trị, trí tuệ, năng lực sáng tạo của cả DN trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh và nó trở thành phương thức tồn tại và phát triển bền vững cho DN.

Giải pháp nâng cao năng lực quản trị của doanh nhân 

Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, cần phải làm một số việc sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ doanh nhân nhằm tạo lập một đội ngũ doanh nhân đầy khát vọng cống hiến, khát khao làm giàu, đủ bản lĩnh vượt qua những thách thức. Khẳng định được thương hiệu Việt trên trường quốc tế và có một trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đào tạo đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Do đó, cơ quan chức năng và cộng đồng DN cần triển khai các chương trình đào tạo tư vấn trực tiếp cho các doanh nhân hội viên về quản trị kinh doanh, cải tiến công nghệ, năng lực quản lý điều hành, nâng cao năng suất lao động cho các doanh nhân hội  viên...

Thứ ba, nâng cao chất lượng các chương trình hỗ trợ, tư vấn cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại.

Phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nhân trên địa bàn với các cơ quan chính quyền địa phương nhằm trao đổi thông tin, đối thoại về những vấn đề doanh nhân quan tâm; chia sẻ thông tin từ cộng đồng doanh nhân để định hướng kinh doanh, với phương châm hoạt động trở thành cơ quan “cầu nối” giữa chính quyền với các DN, giúp các DN giải quyết các khó khăn vướng mắc, mở rộng thị trường, tăng cường tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ doanh nhân xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức hội thảo, hội chợ triển lãm, giới thiệu hàng hóa... nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân có điều kiện tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Doanh nhân theo hướng chuyên nghiệp hóa. Để thực hiện, cần triển khai các biện pháp cụ thể sau: khôi phục và phát triển các Hội Doanh nhân ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức các đoàn công tác đến làm việc, khảo sát thực trạng hoạt động của Hội, Câu lạc bộ Doanh nhân tại các địa phương khó khăn. Triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng tổ chức và triển khai hoạt động cho Hội, Câu lạc bộ Doanh nhân các địa phương. Liên kết, kết nối doanh nhân hội viên hội nhập và phát triển. Mở rộng Hội Doanh nhân Việt Nam; xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên trong DN của hội viên doanh nhân. Thúc đẩy phong trào thanh niên trong doanh nghiệp, đặc biệt là DN ngoài quốc doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ghi nhận, tôn vinh đối với đội ngũ doanh nhân trẻ. Cụ thể, tiếp tục triển khai Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam định kỳ hằng năm như một kênh đối thoại thường niên về chính sách giữa Chính phủ và DN. Tổ chức các hội thảo chuyên đề có sự tham gia của lãnh đạo bộ, ngành về những lĩnh vực ngành nghề cụ thể nhằm tháo gỡ và đề xuất những kiến nghị của DN theo lĩnh vực ngành nghề.

Triển khai và nhân rộng hiệu quả mô hình “Cà phê doanh nhân” giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp tại Hội Doanh nhân các tỉnh, thành phố để tạo sự kết nối, từ đó cùng đưa ra những giải pháp cụ thể giúp DN tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, nuôi dưỡng lớp doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc trở thành những hội viên “mạnh về chất” của Hội Doanh nhân Việt Nam trong tương lai...

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong các DN ngoài khu vực Nhà nước, rút kinh nghiệm, tìm ra những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng; tổ chức hội nghị gặp mặt DN, doanh nhân kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, nhất là các DN, chủ DN.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước

Tăng cường tuyên truyền đối với các DN về nghĩa vụ và lợi ích của việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc hoạch định chính sách, thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm của các DN đối với các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội DN đối với thị trường, người tiêu dùng và việc bảo vệ môi trường. 

Cần ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện trách nhiệm xã hội, có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của  DN trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội và tăng cường các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các DN tự giác và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, như giải thưởng trách nhiệm xã hội, thương hiệu “xanh”, cấp chứng chỉ cho các DN bảo đảm các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong các bộ quy tắc ứng xử được áp dụng... 

(*) Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist Group)

Võ Anh Tài (*)