Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Đức tin" của vị tướng đổi mới
Trong nước - Ngày đăng : 03:31, 10/11/2022
Đó là những lời ruột gan ông tự viết cho chính mình và cả cuộc đời ông, dù ở bất cứ cương vị nào, ông đã sử dụng xuất sắc chức quyền của mình để phục vụ cho sự nghiệp, vì nước vì dân. Ông chính là Sáu Dân - Võ Văn Kiệt.
Ông là một trong những nhà kiến thiết của công cuộc đổi mới, người chịu trách nhiệm thiết kế ba chương trình kinh tế lớn: phát triển sản xuất lương thực; chấm dứt chủ trương công nghiệp nặng đi trước; sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, mà Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đã thông qua với tên gọi "Lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu". Thế nhưng trước khi được tin tưởng giao trọng trách ấy, ông đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, sự dè bỉu, nghi kị bởi những quyết sách "xé rào" với tư cách lãnh đạo ở thành phố đông dân nhất cả nước, giúp ổn định đời sống và mở đường cho kinh tế TP.HCM đi tới, để từ đó cung cấp cho Đảng những cái nhìn thiết thực chuẩn bị cho thời kỳ đổi mới của toàn dân tộc theo đúng mệnh lệnh của cuộc sống "đổi mới hay là chết".
Người đời gọi ông bằng rất nhiều cái tên: Bí thư "xé rào", Tướng "cởi trói", Chủ tịch "gạo", Thủ tướng "điện", Thủ tướng "mở cửa". Những cái tên ấy chính là những dấu ấn, những thành quả ông để lại cho đất nước bằng chính sự đấu tranh không khoan nhượng của mình trong thời buổi "tranh sáng tranh tối", những quyết sách mà ông chấp nhận đánh đổi bằng cả tương lai chính trị rộng mở của mình. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại vùng đất giàu truyền thống yêu nước, Vũng Liêm - Vĩnh Long, 18 tuổi chính thức giác ngộ cách mạng, tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa, từ đó ông dấn thân cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sau đó là xây dựng và phát triển đất nước. 50 năm hoạt động cách mạng chính là 50 năm lăn lộn trong dân, được nhân dân cưu mang, che chở, vì vậy ông thấu hiểu được tâm tư khát vọng cũng như bản lĩnh, trí tuệ của dân, ông rút ra được chân lý hành động cho cuộc đời mình: "Điều gì được dân ủng hộ, đó là đúng. Tâm tư, nguyện vọng của dân phải là xuất phát điểm và đích đến của mọi đường lối, chính sách".
Cố thủ tướng Phan Văn Khải từng nói: "Ông Sáu Dân không ưa cái cũ kỹ, luôn ủng hộ cái mới. Nghe đúng, thấy đúng, nghĩ đúng là ông nói ngay, làm ngay, không mảy may có ý nghĩ sợ mất ghế, mất chức".
Tư duy của ông là tư duy động, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, nên vượt qua được mọi sự rập khuôn, giáo điều xơ cứng. Ông xé rào không phải bởi ông vô nguyên tắc, cũng không phải do tính cách bốc đồng, nóng vội mà bởi đó là những quyết sách từ thực tiễn, được chắt lọc từ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân một cách thận trọng, thấu đáo với tinh thần "dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám tự phê bình".
Ông có một tinh thần hòa giải dân tộc sâu sắc, ông tin vào lòng yêu nước của tất cả mọi giai tầng trong xã hội, không phân biệt xuất thân nguồn gốc. Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước bước vào công cuộc kiến thiết, đây là lúc cần phát huy vai trò của doanh nhân, trí thức, những vị tướng trên mặt trận kinh tế. Với tư cách người lãnh đạo thành phố, ông chủ động tìm đến với doanh nhân, lắng nghe ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân. Ông đặc biệt quan tâm tới tầng lớp trí thức, dù đó là những trí thức của chế độ cũ. Thứ nhất, bởi ông trân trọng tri thức và trí thức. Thứ hai, ông xem đó là vốn quý, nguồn lực quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau giải phóng. Ông vui mừng biết bao khi sau năm 1975 đội ngũ trí thức hăm hở ở lại gắn bó và dựng xây chế độ mới và rồi đau lòng khi sau đó họ lặng lẽ rời bỏ Sài Gòn. Có những người ông giữ lại được, cũng có những người ông bắt buộc phải để họ ra đi, nhưng hiếm có một vị lãnh đạo nào lại có thể nhận được sự kính trọng của những trí thức không cùng tiếng nói, không cùng chí hướng như ông.
Khi còn đương chức, đi cơ sở là công việc hằng ngày của ông. Ông đến từng xí nghiệp, đến từng xóm chợ... để nghe dân nói, để biết dân cần gì, dân nghĩ gì. Đó là căn cứ của mọi quyết sách. Đến lúc về hưu, ông dành tất cả thời gian để học, để nghiên cứu, để trăn trở những vấn đề của dân, của nước. Ở ông có một sự kết hợp nhuần nhuyễn và tự nhiên giữa cái tâm và cái tầm của một nhà lãnh đạo: ông không quên từ những việc nhỏ nhất của dân, để từ đó ông nhìn ra những vấn đề trọng yếu của đất nước.
Sinh thời, ông luôn quan tâm và trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, điều đó không chỉ phải bởi ông nặng tình với vùng đất này, mà còn bởi vị trí đặc biệt quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long đối với sự ổn định và phát triển của cả nước. Như ông từng nói: "Đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long 3 đồng thì cả nước được lợi 10 đồng, đầu tư như thế là còn ít". Để rồi ngày nay, khi đồng bằng sông Cửu Long vẫn là bài toán khó ta mới thấy được hết tầm nhìn của ông. Bởi nếu không có đồng bằng sông Cửu Long sẽ không có một Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Nền an ninh lương thực quốc gia phụ thuộc phần lớn vào vùng đất Chín Rồng này.
Năm 1992, ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường dây tải điện 500KV, công trình đã khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại miền Nam, tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Năm 1993, ông ký quyết định xây dựng đường Trường Sơn công nghiệp hóa mà ngày nay là đường Hồ Chí Minh khang trang, vừa phục vụ cho lưu thông phát triển kinh tế, vừa là tuyến đường quốc phòng an ninh trọng yếu của đất nước.
Nếu có một danh từ có thể gói gọn cả cuộc đời ông, thì đó chỉ có thể là chữ "dân". Đó là nguồn gốc xuất thân - nông dân; là tên đứa con gái ông thương yêu nhất - Hiếu Dân; là bút danh tuổi về hưu khi ông làm một nhà báo, nhà trí thức - Trọng Dân; đó là trường học đào tạo nên một Võ Văn Kiệt trí tuệ, bản lĩnh, quyết đoán và sáng tạo - Nhân Dân. Và trên tất cả đó là sự nghiệp của cả cuộc đời ông - vì ấm no hạnh phúc của dân.
Từ một thanh niên bần nông ở đợ kiếm miếng cơm, đến một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, rồi một lãnh đạo tài năng, nhiệt huyết, đến khi về hưu ông chọn làm một trí thức để "đánh thức không cho xã hội ngủ”. Kỳ lạ thay, ở bất kỳ vai trò nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Ông chưa bao giờ dám nhận mình là học trò của Bác, nhưng rõ ràng ông là một trong những học trò trung thành và xuất nhất của Bác. Cùng với tư duy biện chứng, sáng tạo, ở ông có đầy đủ những phẩm chất cao quý của Bác, là sự giản dị, đức khiêm nhường, là tình yêu thương vô bờ bến và niềm tin mãnh liệt vào trí tuệ và tầm nhìn của nhân dân. Và trên tất thảy đó là đức hi sinh, một đời vì nước vì dân.
Nói nhiều, viết nhiều, nhưng chẳng mấy khi nghe ông nói, ông viết về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, bởi ông không ưa lý luận, ông là con người của hành động. Nhưng những điều ông làm chính là góp phần hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội, bằng những hành động thiết thực, giản dị nhưng vĩ đại của mình ông đã cho nhân dân thấy chủ nghĩa xã hội bằng xương bằng thịt, là cơm ăn, áo mặc, học hành.
Gần 70 năm hoạt động không ngơi nghỉ, ông ra đi để lại cho các thế hệ lãnh đạo ngày sau bài toán ông chưa kịp giải - vấn đề ngăn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và đức tin của cuộc đời ông: "Dân là tất cả, có dân là có tất cả”.