Khi Nhà nước và tư nhân hợp tác làm phim
Thư giãn - Ngày đăng : 09:30, 11/11/2022
Một cảnh trong phim Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác. |
Giới hạn đề tài
Kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước trong các năm 2023-2025 và những năm tiếp theo, Cục Điện ảnh vừa thông báo tới các cơ sở điện ảnh trong cả nước về các nhóm đề tài tham gia tuyển chọn kịch bản để sản xuất phim truyện, phim tài liệu, khoa học, phim hoạt hình sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân.
Trong đó, với kịch bản phim truyện, các nhóm đề tài gồm lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phản ánh công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo; giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam, phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.
Theo thông báo trên thì phim sử dụng ngân sách Nhà nước vẫn còn bị "đóng đinh" với các nhóm đề tài có giới hạn nhất định. Khi các hãng phim nhà nước chuyển sang cổ phần hóa thì dòng phim chính thống ngày càng ít ỏi. Trong thời gian qua, khi Nhà nước không tài trợ đã xảy ra tình trạng thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, phản ánh các vấn đề lớn của xã hội, cho nên dù nhiều phim lịch sử, chiến tranh giữ nước do Nhà nước đặt hàng không bán được vé hoặc "xếp kho" thì Cục Điện ảnh vẫn tiếp tục đặt hàng, vì nếu "Nhà nước không đặt hàng thì ai sẽ làm".
Như ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh từng nói: "Nhiều năm qua, mọi người cứ đặt vấn đề phim Nhà nước đặt hàng bán vé ít, doanh thu thấp nhưng phim do Nhà nước đầu tư có tiêu chí chọn lựa riêng, phục vụ cho nhiều mục đích".
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh |
Luật Điện ảnh xác định Việt Nam tiến đến "công nghiệp điện ảnh", xem điện ảnh là ngành kinh tế, thay vì chỉ đơn thuần là hoạt động điện ảnh. Nếu muốn điện ảnh trở thành ngành kinh tế, thì phim ra rạp phải có doanh thu. Cho nên mục tiêu của Nhà nước khi đặt hàng các cơ sở điện ảnh là phim phải thu hút được khán giả đến rạp. Có một thực tế là bấy lâu hầu hết phim do Nhà nước tài trợ hay đặt hàng được giao cho hãng phim nhà nước và khá nhiều trong số đó ra rạp không được khán giả mặn mà vì khá xa lạ với giới trẻ - đối tượng chủ yếu đến rạp xem phim.
Khi có Luật Điện ảnh, các hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu sẽ mở ra cánh cửa rộng hơn để các hãng phim nhà nước và tư nhân cùng cạnh tranh bình đẳng. Theo đó, tư nhân có thể nhận tài trợ làm phim lịch sử, phim chiến tranh giữ nước, góp phần thay đổi cách chọn đề tài, cách thức sản xuất, quy trình làm phim và phát hành, phổ biến phim. Trước đây, tư nhân từng làm phim Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long... và hiện có các phim như Trưng Vương, Quỳnh hoa nhất dạ... được đầu tư với kinh phí lớn, cho thấy đề tài lịch sử, dã sử vẫn có sức hút khán giả.
Dung hòa nghệ thuật và thương mại
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim đầu tiên của mô hình Nhà nước (Cục Điện ảnh là chủ đầu tư) và tư nhân (Galaxy Studio, Phương Nam Film và Saigon Concert) bắt tay sản xuất. Thu về gần 100 tỷ đồng bán vé, nhận giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 19, thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được kỳ vọng sẽ hình thành một xu hướng mới cho điện ảnh Việt trong bối cảnh phim nhà nước ra rạp không bán được vé. Đồng thời, Nhà nước bắt tay tư nhân góp phần dung hòa yếu tố nghệ thuật và thương mại cho tác phẩm điện ảnh.
Sau đó, mô hình này có thêm Thạch Thảo, Truyền thuyết về Quán Tiên (2019) Nhà nước đầu tư 70% kinh phí. Khi ra rạp, Thạch Thảo khai thác chủ đề học đường lồng ghép một số vấn đề xã hội, chỉ thu về gần một tỷ đồng, Truyền thuyết về Quán Tiên khai thác nội tâm con người thời chiến, chỉ thu được 875 triệu đồng.
Mãi cuối tháng 5/2022 mới có Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác do Cục Điện ảnh kết hợp với BHD và các đối tác sản xuất theo đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra rạp với nhiều lời ngợi khen từ khán giả, giới chuyên môn. Đối đầu với "bom tấn" ngoại mạnh hơn, doanh thu chỉ đạt 6,5 tỷ đồng (kinh phí 30 tỷ đồng), nhưng Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác đã mang đến cho khán giả niềm tin về chất lượng của phim do Nhà nước và tư nhân hợp tác sản xuất.
Cảnh trong phim Thạch Thảo |
Được biết, số lượng cho phép phim Nhà nước và tư nhân hợp tác chỉ vài ba phim truyện trong 2 năm. Kinh phí tối đa từ ngân sách nhà nước hiện ở mức 20 tỷ đồng/phim truyện, trong khi trên thị trường có phim tư nhân đầu tư đến 50-60 tỷ đồng. Cục Điện ảnh cho biết, Nhà nước khuyến khích các đơn vị sản xuất nếu được duyệt kịch bản làm phim từ ngân sách nhà nước vẫn phải cố gắng huy động thêm các nguồn vốn khác.
Chẳng hạn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng), Thạch Thảo (15 tỷ đồng), Truyền thuyết Quán Tiên (18 tỷ đồng) được Nhà nước tài trợ 70%, 30% còn lại lấy từ nguồn xã hội hóa. Hiện nay, các nhà làm phim tư nhân không khó để huy động kinh phí, tuy nhiên sự đồng hành của Nhà nước sẽ tiếp thêm động lực cho những người làm phim. Quan trọng là Nhà nước chọn đơn vị nào, kịch bản, đạo diễn nào, có minh bạch hay không là điều mà giới làm phim tư nhân đặt ra.
Trong Luật Điện ảnh, Điều 14 quy định việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu; chủ đầu tư sẽ là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, UBND cấp tỉnh. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quy trình lựa chọn kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, thành lập hội đồng thẩm định kịch bản.
Trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, quy định kết quả lựa chọn sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan. Như vậy, vướng mắc trong quy định chọn đơn vị sản xuất sẽ dần được tháo gỡ.
Dù là phim Nhà nước đầu tư (mục đích tuyên truyền) hay tư nhân (giải trí) thì kịch bản phải hay, phải chọn được đạo diễn giỏi, êkíp sản xuất chuyên nghiệp mới có thể thu hút được khán giả và mang lại hiệu quả cao.