Tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:21, 11/11/2022
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, khó khăn của DN sản xuất lương thực, thực phẩm hiện tại của nước ta là đang bị cạnh tranh quyết liệt từ DN các nước ở Ấn Độ, Thái Lan. Việc nhiều nước đặt ra những rào cản kỹ thuật rất khắt khe là thách thức lớn đối với ngành thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, DN Việt Nam tiếp cận những thông tin này rất chậm, đã dẫn đến nhiều lô hàng không tiêu thụ được vì sử dụng các hóa chất mới bị cấm khi chế biến. Trước tình hình ấy đòi hỏi DN phải thay đổi công nghệ, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, phải nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa văn hóa bản địa vào sản phẩm để thích ứng với yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu. Công tác phối hợp để cập nhật và phát thông tin cảnh báo về những thay đổi trong tiêu chuẩn hàng hóa, các biện pháp kiểm soát, phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, khiến DN bị động và lúng túng trong ứng phó và dễ rơi vào tình trạng bị kiện hoặc không xuất hàng được.
Ông Vũ Đức Giang cho rằng, DN dệt may đã rất nỗ lực để thích ứng với những thách thức của thị trường. Đơn cử như hiện nay, ngành dệt may không còn phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây (Mỹ, các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) mà bắt đầu chuyển dịch sang Nga và một số nước khác.
Đặc biệt, đối với thị trường EU, nếu như trước đây ngành dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào một số nước lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, thì nay đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia của khối này. Nhiều DN đã chủ động tìm thị trường ở một số nước châu Phi, khu vực Mỹ Latinh.
Nhiều DN ngành dệt may đã nhanh nhạy khi đầu tư công nghệ hiện đại, nhất là các khâu tự động hóa và thích ứng rất nhanh khi cơ cấu mặt hàng thay đổi. Bắt đầu từ quý III/2023, ngành dệt may sẽ có nhiều thuận lợi do sản phẩm xuất vào EU được miễn giảm thuế theo quy định của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Hiện nhiều DN dệt may tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Nhiều DN dệt may cũng tìm cách thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới, như đa dạng hóa dòng hàng, đa dạng hóa thị trường, ứng dụng cơ chế thanh toán mới, đẩy mạnh phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường xuất khẩu, "xanh hóa" công nghiệp dệt may, qua đó hướng tới thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 68-70 tỷ USD vào năm 2030.
Đại diện một DN chế biến gỗ mong rằng "HAWA nên thống kê những DN đang cạn nguồn vốn, thiếu nhân lực, trên bờ vực phá sản để kiến nghị Nhà nước tìm cách tháo gỡ, phục hồi, không để DN bị phá sản, dừng hoạt động. Từ nay đến cuối năm là mùa sản xuất, mùa xuất khẩu, nếu DN thiếu vốn sẽ không thể làm ăn được, nhất là với nhiều DN yếu như hiện nay. Chúng tôi tha thiết mong Nhà nước giúp DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, gỡ bỏ việc áp dụng room tín dụng đối với DN".
Theo ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất - Thương mại Sài Gòn, để tháo gỡ khó khăn cho DN gỗ hiện nay, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh marketing, tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư, tổ chức hội chợ - triển lãm để DN tiếp xúc với khách hàng, DN tiếp xúc với DN nhằm tăng cường kênh phân phối nội địa. Đặc biệt phải khuyến khích những DN đã có khách hàng nằm trong chuỗi cung ứng tham gia các triển lãm - hội chợ để kết nối giao thương, hỗ trợ DN khác tìm đầu ra.
Ngoài thị trường truyền thống, theo ông Mạnh, cần mở thêm nhiều thị trường mới, như Trung Đông. Với các thị trường đang gặp khó khăn như Nga, Mỹ thì tìm cách tháo gỡ, khai thông nút thắt. Từ đó DN sẽ có hướng phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, TP.HCM nên vận dụng, thực thi hiệu quả nhất chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ vào thực tiễn của thành phố để hỗ trợ DN. Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để DN hấp thụ được các nguồn vốn đầu tư thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy nhà nước.
"Hỗ trợ phục hồi DN thông qua cơ chế, chúng ta rà soát lại tất cả quy định miễn giảm thuế, lệ phí, hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi, an sinh xã hội... Hiện nay, kể cả gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai rất chậm, cái này vốn phải triển khai ngay nhưng rất chậm và kéo dài", TS. Lịch nói.
Cùng đó, các cơ quan chức năng và hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề ở TP.HCM cũng tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới cho xuất khẩu để giữ ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động.