Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin: "Chinh phục khách hàng bằng giá trị của kỹ thuật - nghệ thuật và sự khác biệt"

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:07, 12/11/2022

Năm 2022, mặc dù nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp (DN) còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực vượt khó, kiên định với chiến lược chọn hướng đi khác biệt để tạo dấu ấn trên thị trường thế giới, Secoin đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn nhất của năm để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh và vươn ra thị trường thế giới. Cùng lúc được vinh danh và nhận bằng khen "Thương hiệu Quốc gia" và "Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam" trong năm 2022, có lẽ với Chủ tịch Secoin đây là một phần thưởng không chỉ khích lệ tinh thần mà còn tiếp sức cho ông và Secoin trên hành trình mới.

* Với niềm vui vừa được vinh danh, ông nghĩ gì về sự quan tâm của xã hội và Chính phủ với vai trò của doanh nhân ngày nay?

- Sự quan tâm của xã hội và Chính phủ về vai trò của doanh nhân là nguồn động lực lớn đối với DN. Trước đây, nhìn nhận của xã hội đối với doanh nhân, đặc biệt là khối DN tư nhân khá nặng nề, như khái niệm "con buôn" thuộc tầng lớp thấp trong xã hội. Kể từ năm 2004, khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày  Doanh nhân Việt Nam thì hình ảnh của doanh nhân bắt đầu được ghi nhận như lực lượng nồng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế.

Sự quan tâm của xã hội và Chính phủ về vai trò của doanh nhân là nguồn động lực lớn, giúp cho các doanh nhân và DN tư nhân vững tin xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho sự cường thịnh của đất nước. Đặc biệt tại chương trình "Thương hiệu Quốc gia", DN được đánh giá và công nhận dựa trên các yếu tố như tạo ra giá trị cho xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, hướng tới những mục tiêu không chỉ mang tầm quốc gia và thậm chí toàn cầu.

Với Secoin thì hai giải thưởng này được xem là minh chứng cho sự phát triển của DN tư nhân Việt Nam. Khởi nghiệp với số vốn nhỏ nhoi 4.290 USD, sau hơn 30 năm đã trở thành nhà sản xuất gạch ngói nghệ thuật hàng đầu Đông Nam Á với 9 nhà máy và 3 showroom trên cả nước và sản phẩm, xuất khẩu tới 60 quốc gia trên 6 châu lục. 

Với Secoin thì việc vinh danh này cũng phần nào nâng tầm hình ảnh Secoin ở thị trường trong và ngoài nước, tạo được lòng tin của khách hàng.  

* Đến nay Việt Nam chưa có thương hiệu nào đủ tầm đại diện cho quốc gia, tương tự như Sony, Samsung... Ông suy nghĩ gì về điều này?

- Tôi nhìn nhận vấn đề này ở góc nhìn về giá trị của thương hiệu quốc gia. Một thương hiệu DN nếu đơn lẻ ra thị trường thế giới thì khó có thể gây được tiếng vang. Đơn giản hãy nhìn từ góc độ của một người tiêu dùng ở châu Âu, Bắc Mỹ hoặc bất cứ quốc gia phát triển nào: khi mua hàng họ luôn kiểm tra xem sản phẩm được sản xuất ở quốc gia nào và mang thương hiệu nào. 

Uy tín của thương hiệu quốc gia thường đến trước, sau đó mới đến uy tín của thương hiệu DN, sản phẩm. Câu chuyện các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc đáng để Chính phủ và các DN Việt Nam suy nghĩ.  Sau thế chiến thứ hai, sản phẩm "made in Japan" chưa có giá trị trên thị trường thế giới. Trong một buổi chia sẻ của cựu giám đốc marketing của Panasonic tại Mỹ, tôi được nghe câu chuyện khi bắt đầu vào Mỹ, TV Panasonic lúc đó còn bị "lép vế” và Panasonic đã có chiến lược "second set of television" để thuyết phục người tiêu dùng mua TV Panasonic như một sản phẩm phụ thêm. Sau đó, Panasonic mới thực sự thâm nhập vào phân khúc thị trường chính. Cùng thời với Panasonic, các thương hiệu khác về điện tử như Sony, Toshiba... cũng dần dần tạo dựng được uy tín. Tất cả thương hiệu này đều có giá trị bổ sung lẫn nhau và tạo ra uy tín ngày càng cao cho sản phẩm điện tử "made in Japan".

-4842-1668051088.jpg

Việt Nam đang dần cải thiện hình ảnh thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới nhưng chưa có thương hiệu Việt nào đủ uy tín như các thương hiệu của Nhật Bản và Hàn Quốc. Bản thân Chính phủ và các DN Việt Nam vẫn đang đau đáu tự hỏi "vì sao" và "làm thế nào". Trong thế giới toàn cầu hóa, việc cạnh tranh ngày càng trở nên khó khăn. Những thương hiệu khổng lồ trước đây như Sony, Toshiba, Kodak... dần bị mai một. Công nghệ 4.0 phát triển mạnh đã giúp cho các nước đang phát triển cơ hội tiến nhanh vào trung tâm của thời đại, chẳng hạn như các DN Trung Quốc, Ấn Độ. Môi trường kinh doanh thay đổi cũng tạo cơ hội cho DN Việt Nam bắt nhịp nhanh với xu hướng chuyển đổi số, công nghiệp 4.0 và kinh tế tuần hoàn.

* Như vậy, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia, DN Việt phải làm thế nào?

- Phát triển thương hiệu sẽ là quá trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn cùng chiến lược sáng suốt. Liệu có khả thi nếu chúng ta đi theo con đường của Nhật Bản hay Hàn Quốc để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia tên tuổi trong lĩnh vực điện tử hay công nghệ? Thay vào đó, chúng ta cần tìm ra "thế mạnh", "sự độc đáo" và "bản sắc" riêng của mình. Thương hiệu có thể không lớn nhưng vẫn tạo được tiếng vang và xâm nhập mạnh vào thị trường.

Lấy ví dụ sản phẩm gạch nghệ thuật handmade của Secoin có được chỗ đứng vững chắc vì là sản phẩm thủ công được tạo ra bởi các nghệ nhân Việt Nam. Khi thế giới có nhiều sản phẩm có thể thay thế được những sản phẩm thủ công vẫn có giá trị đích thực và giá trị bền vững tồn tại mãi mãi.

Chương trình "Thương hiệu Quốc gia Việt Nam" đã được Chính phủ xây dựng một cách tâm huyết trong thập niên vừa qua với nhiều hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, đã đến lúc "Thương hiệu Quốc gia" cần tìm ra một điểm chung của các DN hay một thế mạnh cốt lõi để tạo dấu ấn cho thế giới. Xác định được điểm mạnh để xây dựng thương hiệu Việt và tạo ra hướng đi cho các DN Việt cùng đồng hành. Càng nhiều DN Việt tiến ra thị trường thế giới với thông điệp chung của quốc gia thì sẽ càng tạo ra sự cộng hưởng và tiếng vang lớn cho "Thương hiệu Quốc gia Việt Nam" - nền tảng để các thương hiệu sản phẩm gây dựng được uy tín với người tiêu dùng toàn cầu.

* Nhiều tổ chức và Chính phủ đã đề cao và tôn vinh thương hiệu Việt, tuy nhiên sản phẩm do người Việt sản xuất vẫn chưa được cộng đồng ủng hộ nhiều. Trong khi ở Hàn Quốc, người dân luôn ủng hộ hàng sản xuất trong nước. Ông có trăn trở hay có nhận định gì khác?

- Người tiêu dùng luôn được quyền lựa chọn sản phẩm tốt nhất, giá cả hợp lý nhất và đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu của mình. Tâm lý chuộng "hàng ngoại" không phải tự nhiên mà có, cũng không phải vì người Việt kỳ thị hàng sản xuất trong nước. Không phải chúng ta cứ hô hào người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước là thành công. Quá trình toàn cầu hóa khiến cho hàng nhập ngày càng nhiều. Hàng Việt Nam muốn cạnh tranh tốt thì trước hết phải bảo đảm những yếu tố cơ bản như chất lượng, sau đó tiến tới thực hiện trách nhiệm với người lao động, sản phẩm có khả năng tái sinh, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn. Khi đó không cần hô hào thì người tiêu dùng trong nước cũng sẽ tự động mua.

Bài toán đặt ra là sản phẩm mang đến những giá trị gì cho người tiêu dùng khiến họ lựa chọn hàng Việt thay cho hàng ngoại. Điều đáng mừng là các DN Việt và sản phẩm thương hiệu Việt đang có xu hướng "chinh phục" khách hàng bằng giá trị kỹ thuật, giá trị kinh tế, giá trị nghệ thuật, giá trị khác biệt. 

* Theo ông, để có một sản phẩm Việt Nam được tất cả mọi công dân sử dụng, xem như niềm tự hào dân tộc thì bản thân DN phải làm gì? Còn Nhà nước phải làm thế nào?

- Kinh tế toàn cầu đang có xu hướng mở, rào cản biên giới giữa các quốc gia đang mờ dần đi và khi đó sản phẩm có giá trị sẽ hướng tới người tiêu dùng trên toàn cầu chứ không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia. Không thể kêu gọi niềm tự hào dân tộc để khiến "tất cả công dân Việt Nam đều phải dùng sản phẩm" - theo tôi, điều này là trái với quy luật của kinh tế thị trường và xu hướng phát triển chung của nhân loại. 

Thay vì "bắt" người dân phải dùng sản phẩm Việt, DN hãy hướng tới "cạnh tranh", "vượt lên" sản phẩm ngoại và thay đổi dần nhận thức của người tiêu dùng Việt. Với vai trò quản lý của Nhà nước, cần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực, có chính sách phát triển kinh tế và khuyến khích DN thì sẽ giúp các DN thực hiện sứ mệnh của mình.

* Tháng 10 có Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng cũng có một chút buồn khi năm nay có rất nhiều vụ án liên quan đến doanh nhân. Ông có thể chia sẻ một chút tâm tư về điều này? 

- Phải chăng, con đường và sứ mệnh của doanh nhân phải đi và phải làm luôn tiềm ẩn những điều bất trắc, khó lường? Trong một hội thảo gần đây của VCCI nhân dịp tôn vinh "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022", bà Phạm Chi Lan có nói:  "Thể chế nào sẽ tạo ra DN đó”. Thời gian trước đây, cơ chế chính sách chưa được hoàn chỉnh do mới bước vào kinh tế thị trường đã tạo ra những khe hở cho việc vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm và tham nhũng. Vì vậy, có những DN và quan chức đã lợi dụng để làm giàu một cách không lành mạnh.

Sự việc các vụ án liên quan đến doanh nhân trong những năm gần đây và trong năm 2022 phần nào gây bất ổn trong hoạt động xã hội và DN nhưng cần thiết phải thực hiện, bên cạnh đó Nhà nước cũng cần hoàn thiện chính sách để không tạo điều kiện cho những "con sâu" xuất hiện, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

* Theo ông, hoạt động của các hội, hiệp hội thời gian tới nên giúp DN như thế nào?

- Hướng phát triển chung mà cộng đồng DN nói chung và DN TP.HCM nói riêng cần hướng tới là "phát triển bền vững" và hướng tới "kinh tế tuần hoàn".

Nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và các DN toàn cầu đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh dựa trên "17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc tới năm 2030". Không chỉ bảo vệ khí hậu, các mục tiêu này còn hướng tới giải quyết nhiều thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt như như sự mất đa dạng sinh học, bất bình đẳng toàn cầu, biến đổi khí hậu... Chính vì vậy, các hoạt động của hội, hiệp hội cần có chiến lược và xây dựng nhận thức để hướng các DN tạo ra một nền kinh tế phát triển bền vững, với một cộng đồng bền vững. 

Một số chuỗi cung ứng toàn cầu đã yêu cầu DN Việt cung cấp "sản phẩm bền vững", nghĩa là phải có khả năng tái sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu. Nếu không thích ứng với những xu thế chung của thế giới, các DN Việt sẽ mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 cũng đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Thay vì mô hình tuyến tính "sản xuất - sử dụng - vứt bỏ” thì các DN sẽ cần chuyển đổi sang mô hình "sản xuất - sử dụng - tái chế”.

Vai trò của các nhà hoạch định chính sách và các hội, hiệp hội nên hướng DN chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cho phù hợp, vì nhiều quốc gia phát triển đang hướng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên bằng cách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp "xanh". 

* Quan điểm của ông về hoạt động của hội và hiệp hội và để các hoạt động này thiết thực hơn, ông có ý kiến gì? 

- Theo tôi, các hội, hiệp hội không chỉ là nơi mà các DN cùng địa bàn, cùng ngành nghề gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm và giao thương với nhau. Nhìn rộng hơn, hội, hiệp hội là một con thuyền lớn hội tụ nhiều DN và con thuyền đó cần có chiến lược chung để thích ứng với môi trường kinh doanh biến đổi không ngừng trong bối cảnh hiện nay. 

-2559-1668051088.jpg

Các thành viên là doanh nhân phải hoạt động trên thương trường với nhiều khó khăn và thời gian rất hạn hẹp nên các hoạt động của hội, hiệp hội cần đem lại giá trị thực cho hội viên. 

Hội, hiệp hội nên phát huy vai trò là kênh thông tin hỗ trợ các thành viên, đồng thời cũng tổng hợp thông tin từ các thành viên để chuyển tới Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách. Trên cơ sở đó, các chính sách sẽ được hoàn thiện.

* Hiện thành phố đang phát động xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong DN, theo ông điều này có được xem là hoạt động để xây dựng văn hóa của DN không?

- Tôi luôn ủng hộ các chương trình xây dựng văn hóa DN vì đó cũng là nỗ lực chung để xây dựng một cộng đồng DN vững mạnh và nền kinh tế bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân của đất nước và cũng như các vĩ nhân trên thế giới, tư tưởng của các vĩ nhân thường được lấy làm kim chỉ nam cho mọi thời kỳ.

Tuy nhiên, DN cũng đa dạng giống như xã hội gồm nhiều cá nhân với tính cách và hoàn cảnh khác nhau, việc xây dựng văn hóa DN không có công thức chung để áp dụng cho tất cả. Mỗi DN phải tự chắt lọc những tư tưởng của các vĩ nhân trên thế giới nói chung và của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng để áp dụng cho phù hợp. Những chương trình xây dựng không gian văn hóa nên hướng về việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực và  khuyến khích sự hợp tác trong nội bộ DN và giữa các DN với nhau. 

* Có nhiều người cho rằng, hiện vẫn còn một số doanh nhân chưa tự tin với công việc của mình. Theo ông, vì sao và làm thế nào thật sự chúng ta có một đội ngũ doanh nhân hùng mạnh?

- Đúng là thực tế hiện nay còn nhiều DN chưa tự tin với chính công việc của mình, không chỉ DN nhỏ và vừa mà kể cả DN lớn. Để giải quyết, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế và cơ chế hành chính và điều hành. Điều này không chỉ tạo một môi trường lành mạnh, chống lợi ích nhóm và tham nhũng. Điều đó giúp DN không chỉ tự tin mà còn vững niềm tin vào Chính phủ khi đầu tư xây dựng cơ nghiệp của mình.

DN phải định hướng hoạt động của mình theo hướng phát triển bền vững và phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn. Tránh mở DN chỉ vì những quyền lợi trước mắt. Muốn vậy, DN cần ý thức xây dựng nhận thức và kiến thức khi phát triển DN của mình. 

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất cởi mở với nhiều thông tin thiết thực. 

Lữ Ý Nhi