"Cuộc chiến" đại lý du lịch trực tuyến

Du lịch - Ngày đăng : 09:00, 12/11/2022

Hình thức mua tour du lịch, dịch vụ phòng - vé máy bay... trên các website của doanh nghiệp hay thông qua các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) đang là xu hướng của du khách sau dịch.
-1986-1668133822.jpg

Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các OTA toàn cầu như Agoda, Booking, Traveloka, Expedia... chiếm tới 80% thị phần du lịch trực tuyến Việt Nam. Phần lớn du khách quốc tế và không ít du khách nội địa đều sử dụng dịch vụ của OTA nước ngoài. Các OTA trong nước như Gotadi, VNtrip, Ivivu, Chudu, Mytour.vn, Vinabooking, Divui.com... chỉ có lượng giao dịch khiêm tốn.

Đại diện một số khách sạn tại Việt Nam cũng thừa nhận, lượng khách đặt qua OTA khá cao và chủ yếu là khách nội địa, trong vòng 6 tháng trở lại đây, khách nội địa đặt qua OTA chiếm hơn 85%, còn lại rải rác là khách outbound.

Phân tích của Kepios cũng chỉ ra rằng, người dùng Internet ở Việt Nam tăng 3,4 triệu người (tăng 4,9%) từ năm 2021 đến năm 2022. Báo cáo của Google và Temasek cũng cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam dự kiến năm 2025 lên tới 9 tỷ USD. Điều này cho thấy cơ hội cho các OTA Việt là khá lớn.

Thế mạnh nữa của các OTA trong nước là sử dụng nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn đặt dịch vụ hộ và hỗ trợ khách lúc cần thiết. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây chỉ là những lợi thế mang tính lý thuyết. Khó khăn và hạn chế của OTA Việt Nam trước giờ vẫn ở khả năng thấu hiểu người dùng, nguồn lực tài chính hạn hẹp và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Ông Ngô Minh Đức - nhà sáng lập Gotadi cho biết, các OTA ngoại có ưu thế vượt trội về công nghệ do đã phát triển nhiều năm, lại có nguồn vốn đầu tư dồi dào, họ thường xuyên tung ra chính sách ưu đãi hấp dẫn du khách. Vì thế, DN du lịch Việt phải liên kết, chuyển đổi số cùng nhau thì mới có thể hình thành, phát triển được hệ sinh thái của người Việt với nhà cung cấp dịch vụ thông minh, người dùng thông minh, điểm đến thông minh. 

CEO Công ty TNHH Đi Vui thừa nhận nguồn tài chính không mạnh bằng các OTA nước ngoài vì thế thay vì "cào" hết rổ sản phẩm của tất cả nhà cung cấp và đăng bán, doanh nghiệp OTA này chọn cách bỏ thời gian tìm hiểu, thu thập thông tin và góp ý xây dựng sản phẩm để phù hợp với đối tượng khách. 

Theo phân tích của các chuyên gia, chỉ khi chuẩn hóa, tích hợp hệ thống giữa các OTA một cách dễ dàng thì mới tăng được lượng khách hàng, doanh thu, đủ sức cạnh tranh với OTA ngoại. Hiện các kênh trực tuyến về du lịch của Việt Nam hiện hoạt động nhỏ lẻ và chưa phát huy được sức mạnh tập thể của DN trong nước.

Vì thế, để hỗ trợ các DN, các sản phẩm công nghệ của ngành du lịch cần được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các DN có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị. Đồng thời, Nhà nước cần đổi mới chính sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch.

Nguyễn Nam