Nguồn lực tạo sự khác biệt trong đổi mới và sáng tạo
Quản trị - Ngày đăng : 00:25, 12/11/2022
Con người luôn có tham vọng. Có những người tạo ra thành công nhỏ, rồi muốn tạo ra thành công lớn và những người tạo nên thành công lớn muốn tạo ra thành công lớn hơn nữa. Chẳng hạn như Thomas Edison hay Jeff Bezos là những người có tham vọng không ngừng và làm việc cực kỳ chăm chỉ dù đã rất giàu có.
Cơ chế kinh tế thị trường được vận hành nhờ động lực quan trọng đó của con người. Đó là năng suất lao động của từng cá nhân được thừa hưởng và phát triển thông qua giáo dục và đào tạo, cũng như trong môi trường xã hội thích hợp. Nguồn vốn con người được xem là tài sản quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào và luôn là điều tất yếu trong phát triển năng lực quốc gia vì nó vừa là động lực, vừa là mục tiêu cuối cùng của mọi nền kinh tế.
Việt Nam là quốc gia đông dân ở Đông Nam Á và là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 100 triệu người, trong đó tỷ lệ nhập học cơ bản cao (98%), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động gần 70% và đó là những lợi thế về nguồn nhân lực. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định con người là trung tâm của sự phát triển và kiên định phát triển con người Việt Nam toàn diện: "Coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững". Theo đó, dự thảo Chiến lược tổng quát đến năm 2030 của ngành giáo dục Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc hướng tới đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Việc hợp tác quốc tế mạnh mẽ đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chất lượng nguồn nhân lực theo các tiêu chuẩn tiến bộ trên thế giới. Mặc dù vậy, Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như gặp khó khăn khi đối diện xu hướng không tránh khỏi là nạn "chảy máu chất xám" và điều kiện lao động chưa phù hợp, chế độ tiền lương chậm cải cách...
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, phẩm chất đổi mới và sáng tạo có thể đến từ mọi cá nhân. Có những người đã trở thành tỷ phú khi đang hưởng trợ cấp xã hội, như bà Rowling (tác giả bộ truyện Harry Potter), miễn là họ có môi trường đảm bảo niềm tin và niềm tự hào vào một xã hội đoàn kết, công bằng, đảm bảo sự an sinh, tự do và cởi mở đối với sự vươn lên của bản thân.
Quan niệm về một thế giới luôn vận động, phát triển và đổi mới không ngừng được thể hiện rõ trong triết học phương Tây cũng như trong các bộ sách Kinh dịch của phương Đông. Ở Việt Nam hiện nay, chính sách về khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của con người là một trong những quyết sách quan trọng nhất trong thời đại công nghệ số. Kết quả là trong báo cáo GII (chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu) 2021 của WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới) đã ghi nhận Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế có tiến bộ đáng kể nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn là một nước đang phát triển và luôn tiềm ẩn bẫy thu nhập trung bình. Để vượt qua thách thức đó, nhằm thực hiện tốt tầm nhìn tới năm 2050, xin đề xuất ba nội dung góp phần thúc đẩy nguồn lực đổi mới và sáng tạo hướng tới một đất nước phát triển.
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời đại của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển nền kinh tế thị trường tại nước ta hiện nay đang mang lại nhiều cơ hội mới, do đó bên cạnh việc triển khai tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chiến lược và tầm nhìn mới của ngành giáo dục, cần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì việc tạo ra hệ thống, quy trình và đặc biệt là môi trường xã hội văn minh, công bằng cho mọi người, mọi tổ chức là một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình đổi mới.
Một xã hội pháp luật công bằng sẽ là môi trường cởi mở, tự chủ cho đổi mới và sáng tạo, vì đổi mới và sáng tạo thường là kết quả của tự do bình đẳng và là khởi nguồn của sự thịnh vượng. Khi đó, định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có quý hơn độc lập tự do" đã có ý nghĩa rất quan trọng trong thời kỳ giữ nước lại càng phát huy tối đa nguồn lực đổi mới và sáng tạo của con người trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ hai, xây dựng văn hóa hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Văn hóa làm việc đoàn kết và hợp tác bình đẳng giúp tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hình thành văn hóa đổi mới. Văn hóa đổi mới và sáng tạo sẽ cho phép các tổ chức "ăn mừng" những đổi mới thành công trong khi vẫn học hỏi từ những thất bại. Cũng cần thay đổi nhận thức rằng, đổi mới và sáng tạo luôn liên quan đến đầu tư tốn kém, kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới.
Tại Nhật Bản, Kaizen là chương trình cải tiến sáng tạo và liên tục đổi mới để nâng cao năng suất lao động, đã có lịch sử hơn 50 năm và được áp dụng rộng rãi trong mọi doanh nghiệp. Hiện nay, Kaizen không chỉ giới hạn trong ngành sản xuất mà còn áp dụng trong ngành dịch vụ, bán lẻ và trong các chương trình giáo dục và đào tạo cũng như phát triển đời sống cá nhân. Để thực hiện Kaizen, chỉ cần áp dụng những kỹ thuật thông thường, đơn giản, như 7 công cụ kiểm soát chất lượng (biểu đồ Pareto, nhân quả, tổ chức, kiểm soát, phân tán, đồ thị, phiếu kiểm tra).
Xây dựng văn hóa sáng tạo và đổi mới là một quá trình, cần có thời gian, sự kiên nhẫn và nguồn lực đáng kể, đặc biệt khi đứng trước sự thất bại. Vì vậy, nếu muốn phát triển mạnh mẽ công cuộc đổi mới và sáng tạo, cần xây dựng nền văn hóa hỗ trợ trong lĩnh vực này.
Thứ ba, phát triển bền vững. Để tiến tới một xã hội phồn vinh thì phải định lượng, huy động, sử dụng hiệu quả và hơn hết phải luôn nhân lên nguồn vốn của quốc gia, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn con người mà không làm cạn kiệt nó.
Chủ động nuôi dưỡng và quản trị tốt nguồn lực vô giá đó của quốc gia thông qua đổi mới các chính sách trong giáo dục và đào tạo, hợp tác công bằng (giữa các vùng miền và giai tầng xã hội), cạnh tranh lành mạnh trong thị trường lao động sẽ đảm bảo niềm tin và an sinh xã hội, thúc đẩy niềm tự hào sáng tạo và đổi mới trong mọi tầng lớp nhân dân để tạo sự khác biệt trong chất lượng phát triển bền vững.