Xây dựng văn hoá doanh nghiệp gắn với văn hoá đọc và văn hoá viết

Đời thường - Ngày đăng : 04:42, 12/11/2022

Ngày 11/11, Tạp chí Người Làm Báo - Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin Kinh tế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Báo chí đồng hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển bền vững".
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp gắn với văn hoá đọc và văn hoá viết

Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan thông tấn báo chí, doanh nghiệp (DN) cùng chia sẻ những vấn đề liên quan đến văn hóa DN, văn hóa của người làm báo nhằm xây dựng mối quan hệ trong ứng xử văn hóa giữa các bên, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng Việt Nam thịnh vượng.

Phát triển văn hoá đọc góp phần phát triển kinh tế

Phát biểu khai mạc, ông Hồ Quang Lợi - nguyên Phó bí thư Đảng, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, xây dựng văn hóa DN sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc văn hóa Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, mà báo chí là phương tiện truyền tải. Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã xác định xây dựng văn hóa trong kinh tế là nhiệm vụ xuyên suốt trong xây dựng văn hóa DN. 

Khách mời của diễn đàn, ông Trần Hoàng - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn nhận định, phát triển văn hóa đọc góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và đất nước.

Nhận thức sâu sắc vai trò, giá trị của văn hóa đọc và viết sách trong lực lượng DN và đội ngũ doanh nhân 3 năm qua, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã có nhiều hoạt động, định hướng truyền thông cổ vũ doanh nhân đọc sách và viết sách, đồng thời xây dựng văn hóa đọc tại DN. 

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn có 3 quan điểm trong việc xây dựng văn hoá đọc. Một: Mỗi doanh nhân là một cuốn sách sống về kinh doanh; việc truyền kinh nghiệm quý giá cho doanh nhân đương thời hay các thế hệ doanh nhân tương lai là vô cùng ý nghĩa. Doanh nhân tham gia viết sách, hoặc làm nhân vật để viết sách là hoạt động văn hóa cộng đồng, không chỉ xây dựng nhân hiệu mà còn lan tỏa văn hóa chia sẻ tri thức trong cộng đồng doanh nhân.

Hai: DN nào làm tốt văn hóa đọc tại DN sẽ góp phần nâng cao tri thức cho cán bộ công nhân viên, qua đó nâng cao năng lực làm việc, mang lại năng suất làm việc cao. Ngoài ra, văn hóa ứng xử, giao tiếp trong nội bộ DN và với đối tác, khách hàng cũng sẽ tốt đẹp hơn. 

Ba: Doanh nhân nào quan tâm đến sách thì khả năng quản trị DN sẽ dễ thành công hơn, hoạt động kinh doanh cũng sẽ văn hóa hơn, không đặt mục tiêu làm giàu bằng mọi giá.

Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh xây dựng văn hoá kinh doanh là yếu tố quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao hình ảnh của DN trên thương trường. VCCI nhận thấy vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh cần cả hệ thống chính trị tham gia vì còn liên quan đến thể chế, pháp luật… Trong đó, báo chí có vai trò quảng bá và góp ý xây dựng cho DN, doanh nhân. 

VCCI kiến nghị các cơ quan báo chí và DN cần hợp tác nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về DN, doanh nhân, bảo đảm tính khách quan, trung thực, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến DN và môi trường kinh doanh. Đồng thời, báo chí cần đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong nội bộ tòa soạn, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. 

-4243-1668222190.jpg

Tiến sĩ Đinh Việt Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia 

Mỗi DN đều có đặc điểm văn hoá riêng

Doanh nhân Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình khẳng định doanh nhân Việt cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Văn hoá kinh doanh Việt Nam phải phù hợp với thời kỳ hội nhập toàn cầu, đặt trên nền tảng đạo đức của doanh nhân, đạo đức của công dân như lòng yêu nước, thương dân, yêu Trái Đất, yêu sự sống, hướng đến phụng sự cho lợi ích nhân loại.

Theo ông Hải, mỗi DN đều có đặc điểm văn hoá riêng. Trước tiên, chúng ta cần xây dựng văn hoá DN dựa trên Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam đã được công bố ngày 14/7/2021 đã được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y và chỉ đạo Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam ban hành và vận động đưa vào áp dụng trong cộng đồng DN.

Theo Tiến sĩ Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, văn hóa là "tài sản" cốt lõi để xây dựng DN phát triển bền vững. Văn hoá DN là giá trị cốt lõi giúp cho các DN phát triển và thu hút, giữ chân người lao động. Văn hoá DN mang lại cho nhân viên niềm tin, giá trị khiến họ tin tưởng, yêu mến công ty và nguyện gắn bó với công ty dù có nhiều nơi trả lương cao hơn. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, không nhiều lãnh đạo DN nhận ra vai trò của văn hoá DN mà thường cho rằng, chỉ cần xây dựng khẩu hiệu, logo là đủ để hình thành văn hoá DN. Thực chất, văn hoá DN được hình thành bởi người lãnh đạo; họ là người “thổi hồn” vào văn hoá công ty, tạo nên văn hoá công ty. Một DN có văn hoá thì luôn có tầm nhìn rõ ràng, luôn có sứ mệnh và nhiệm vụ cụ thể, kiên định, mục tiêu chính luôn hướng tới khách hàng và người lao động. Đó chính là điều tạo nên bản sắc, điểm khác biệt của mỗi công ty so với “đối thủ” khác trên thị trường.

Cũng trong diễn đàn, các doanh nhân, chuyên gia kinh tế còn chia sẻ nhiều quan điểm về vai trò của báo chí và DN. Trong đó, các diễn giả, khách mời đều thống nhất quan điểm: Vai trò của báo chí rất quan trọng, đó là định hướng thông tin cho công chúng. Bạn đọc có thể đọc thông tin ở mọi nơi, mọi kênh trên mạng xã hội nhưng neo giữ được suy nghĩ của bạn đọc vẫn là báo chí chính thống. Sự tin cậy của người đọc được xây dựng khi báo chí có thông tin chuẩn xác.

Tâm An