Ngành công nghiệp muốn phục hồi nhanh phải làm thế nào?
Trong nước - Ngày đăng : 06:38, 13/11/2022
Từ đầu năm 2022, sau giai đoạn sụt giảm tăng trưởng (năm 2020 và 2021, IIP toàn ngành công nghiệp chỉ tăng bình quân 4%/năm), sản xuất công nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp trong 9 tháng đầu năm liên tục tăng cao ở mức bình quân 9,3%/tháng.
Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm duy trì đà tăng trưởng khá cao và ổn định trong tháng 10/2022, như sản xuất thực phẩm tăng 12% so với cùng kỳ, chế biến và bảo quản rau quả tăng 18,8%, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 16%, xay xát và sản xuất bột thô tăng 15%... Đặc biệt, ngành sản xuất đồ uống tháng 10 tăng tới 34% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các doanh nghiệp (DN) nhanh nhạy chuyển đổi mặt hàng sản xuất.
Tuy nhiên, cũng có một số ngành sản xuất tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm do phải đối mặt với những khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào còn ở mức cao, giá một số mặt hàng dịch vụ tăng, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Sau 9 tháng liên tục tăng cao, tháng 10/2022 chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp ước chỉ tăng khoảng 6,3%, IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 10/2022 cũng chỉ tăng khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong thời gian tới, sản xuất công nghiệp vẫn phải chịu ảnh hưởng của các yếu tố từ bên ngoài như sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục, giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới tăng gây áp lực giá đầu vào sản xuất tại Việt Nam.
Những khó khăn từ nội tại của nền kinh tế vẫn bộc lộ như việc tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn; xuất khẩu hàng hóa phải đối mặt với những rủi ro, thách thức thu hẹp do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn suy giảm; số đơn hàng ngành dệt may, gỗ, thủy sản xuất đi Mỹ và EU suy giảm. Thiếu hụt lao động cục bộ tại một số ngành, địa phương, tuyển dụng lao động làm việc tại DN còn khó khăn, nhất là lực lượng lao động có tay nghề cao... Những yếu tố ấy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
Hai tháng còn lại của năm 2022 và tiếp theo, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đảo đảm tốt các điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh bằng việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu.
Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận tín dụng nhanh hơn, nhất là đối với DN vừa và nhỏ, hỗ trợ DN tiếp cận nhanh gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2%. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN. Triển khai kịp thời, hiệu quả các gói hỗ trợ DN và người lao động trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ.
Cộng đồng DN cần chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng mới, có phương án thích ứng với những biến động thị trường. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có chính sách thích hợp giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường. Tăng cường liên kết, hợp tác, tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới.