Khi sống xanh gắn với trách nhiệm xã hội
Start up - Ngày đăng : 06:00, 13/11/2022
Xuất phát từ giá trị nhân văn
Limart - Zero waste là một doanh nghiệp xã hội với mục đích lan tỏa lối sống xanh bằng việc tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm thông dụng. Hầu hết sản phẩm xanh của Limart được làm thủ công.
Trước khi thành lập doanh nghiệp xã hội Limart - Zero waste, Hằng cùng nhóm bạn trẻ thường tổ chức các chuyến đi thiện nguyện, lan tỏa lối sống xanh và hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho những chuyến đi thiện nguyện đó phải dựa vào các nhà tài trợ. Chính vì sự thụ động trong nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, Hằng đã gặp rất nhiều khó khăn nên đã thành lập doanh nghiệp xã hội Limart - Zero waste.
Limart tạo việc làm cho người khuyết tật |
Điểm đặc biệt tại Limart là nhân viên đa số là người trẻ khiếm thị và khiếm thính. Lý do cho sự đặc biệt này, theo Kim Hằng đó chính là mong muốn đóng góp cho cộng đồng, tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp đỡ họ tự tin trong cuộc sống. Hằng là người thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà những người khuyết tật phải đối mặt khi chính ba chị cũng là một người khiếm thị.
Nhớ lại thời thơ bé, Hằng ngậm ngùi: “Thuở nhỏ, có lần tôi từng lờ đi chỗ khác chỉ vì không muốn bạn bè châm chọc mình có một người bố mù. Cho đến khi bố mất, tôi mãi ân hận vì điều đó và nó trở thành lý do thôi thúc tôi bằng mọi cách phải đồng hành cùng những người yếu thế trong xã hội".
Với doanh thu từ Limart - Zero waste trung bình từ 80-100 triệu đồng/tháng, Hằng luôn trích 85% trong số đó hỗ trợ cho những bạn trẻ khuyết tật bằng cách mở lớp dạy nghề và trao học bổng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Thành lập cuối năm 2018, doanh nghiệp non trẻ Limart gặp không ít khó khăn khi phải chống chọi qua hai năm đại dịch Covid-19. Vì thế mà Hằng buộc phải đóng hai cơ sở tại quận 3 và Tân Phú. Không có nhân viên, không thể bán hàng trực tiếp, mọi chi phí để duy trì hoạt động chỉ trông chờ vào việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Hằng buộc phải đảm nhận tất cả công việc từ sản xuất, đóng gói, giao hàng.
Việc vận hành một doanh nghiệp sử dụng lao động là những người khiếm thị và khiếm thính là không dễ dàng, khó khăn lớn nhất là việc giao tiếp. Đồng thời, nhiều nhân viên vì sức khỏe kém nên năng suất làm việc rất thấp. Tuy nhiên không vì thế mà Hằng nản lòng, chị vẫn quyết tâm tạo ra môi trường làm việc thuận lợi nhất cho người khuyết tật, giúp họ vượt qua mọi rào cản, sống tự tin, hòa đồng như những người bình thường.
Kim Hằng tâm sự: “Người khuyết tật không dễ mở lòng, họ thường tự ti và e ngại tiếp xúc với người khác. Vì thế, tôi đã chọn cách thật từ tốn, nhẹ nhàng để giữ họ ở lại đồng hành cùng mình, nhất là phân công công việc theo đúng khả năng của từng nhân viên. Các bạn khiếm thị được phân công bán hàng, giao tiếp với khách, sản xuất là những bạn trẻ khiếm thính. Tôi còn tuyển dụng những bạn trẻ hoàn toàn khỏe mạnh để giúp đỡ, hỗ trợ và thực hiện những công việc mà những người khuyết tật chưa hoặc không làm được”.
Là một trong những cộng sự của Hằng, chị Ngô Thị Phương Linh - leader team Limart chia sẻ: “Cũng là người khiếm thị, giai đoạn đầu khi tôi mới vào làm rất là khó khăn, chưa tự tin giao tiếp với mọi người. Nhưng môi trường làm việc thân thiện, dễ thương ở Limart đã giúp tôi mạnh dạn hơn, cởi mở hơn, cảm thấy mình đang làm một điều gì đó rất tốt cho môi trường sống. Những người khuyết tật khi ra trường tìm việc làm rất khó. Làm việc với Công ty Limart của chị Hằng đã mở ra không chỉ cho tôi mà còn cho các bạn khuyết tật khác sự tự tin vào cuộc sống”.
Tiếp tục những giá trị xanh
Kim Hằng cùng cộng sự đã và đang phát triển mô hình Limart - Zero waste nhằm mang lại thêm nhiều giá trị hơn cho cộng đồng. Hiện tại, công việc chính của Limart là sử dụng nilon để tái chế nhiều loại sản phẩm. Ban đầu, việc tái chế hoàn toàn thủ công, nhưng qua nghiên cứu và khả năng sáng tạo, đội ngũ nhân viên Limart đã thiết kế ra máy cắt nilon từ những thiết bị có sẵn, như cục nóng máy lạnh, ống nước... Limart còn phát triển nhiều sản phẩm khác nhằm giảm thiểu lượng rác thải, biến chúng thành những sản phẩm xanh sạch, có ích.
Ngoài sản phẩm tái chế từ nilon, hiện nay gần 200 dòng sản phẩm được bày bán tại Limart có nguồn gốc từ thực vật. Trong đó, 80% sản phẩm doanh nghiệp tự sản xuất, 20% nhập khẩu với yêu cầu tiên quyết là thân thiện với môi trường. Limart hướng tới phát triển như một chuỗi tạp hóa. Khi khách hàng tới đây có thể lựa chọn nhiều loại sản phẩm đầy đủ cho gia đình.
Nhận thức được những khó khăn mà một doanh nghiệp xã hội phải đối mặt, Kim Hằng đã không chọn đi một mình. Với mỗi cơ sở được thành lập, chị đã hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp khác. Để làm được điều đó, Kim Hằng luôn chọn phát triển Limart theo định hướng đồng bộ trong chuỗi sản phẩm và khác biệt trong chuỗi dịch vụ kèm theo. Theo đó, mỗi cơ sở sẽ trưng bày và buôn bán các mặt hàng mà Limart sản xuất và kết hợp cùng các doanh nghiệp kinh doanh dụng cụ tái chế dùng trong quán cà phê, phòng tập thiền, phòng đọc sách hay các hoạt động sáng tạo khác nhằm nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.
Sản phẩm của Limart - Zero waste |
Kim Hằng luôn mong muốn lối sống xanh có thể lan tỏa được đến với cộng đồng nhiều nhất có thể. Đó cũng là lý do khiến chị luôn ấp ủ dự định mở rộng chuỗi cơ sở sản xuất và buôn bán sản phẩm xanh. Hiện tại, doanh nghiệp của chị đã có ba cơ sở ở quận 1, quận 2 và Bình Tân, TP.HCM.
Kim Hằng cho biết, kế hoạch đến năm 2030 sẽ mở được 10 cơ sở ở một số tỉnh, thành nhằm giúp những người có lối sống xanh tiếp cận dễ dàng hơn với sản phẩm thân thiện môi trường, cũng như giải quyết việc làm nhiều hơn cho người khuyết tật.