Siêu đô thị đình trệ
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 00:00, 15/11/2022
Chỉ có sáng chủ nhật hằng tuần thì các con đường ở TP.HCM mới thông thoáng đôi chút - Ảnh: TN |
Có một cách dễ dàng để hình dung về mức độ nghiêm trọng khi tốc độ gia tăng dân số vượt quá tốc độ phát triển của TP.HCM, là nhìn vào gương mặt do dự của Hùng mỗi khi phải chạy xe vào trung tâm thành phố, qua cây cầu Kênh Tẻ.
Hùng hiện sống tại Q.7, TP.HCM. Cầu Kênh Tẻ, nối Q.7 với các con đường dẫn đến trung tâm thành phố, được hoàn tất việc nới rộng thêm 2m mặt cầu, từ giữa tháng 9/2019. Nhưng chỉ sau đó khoảng hai tuần, cây cầu rơi vào tình trạng tắc nghẽn như cũ.
Công trình tiêu tốn thêm 90 tỷ đồng và hơn một năm trời thi công, được kỳ vọng giảm ùn tắc trên tuyến huyết mạch từ khu Nam ra vào trung tâm Sài Gòn, hóa ra không mang lại hiệu quả như mong đợi. Hùng nói, rốt cuộc, con đường đi làm hàng ngày của anh vẫn vậy, vật lộn với hàng giờ chờ đợi giữa mưa, nắng và khói bụi. Nếu không phải vì công việc bắt buộc, Hùng sẽ rất đắn đo khi có cuộc hẹn gặp tụ tập ở Q.1, vì ngán cảnh chen chân qua cây cầu này.
Đây là một ví dụ điển hình liên quan đến vấn đề quy hoạch đô thị khi việc mở rộng đường nhằm giảm ùn tắc và kẹt xe lại kéo theo ùn tắc nhiều hơn, do tâm lý muốn di chuyển trên những tuyến đường mới. Ví dụ những tuyến đường cao tốc khổng lồ ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ đã trải dài tới 16 làn xe nhưng "tắc vẫn hoàn tắc".
Giải pháp tốt nhất là cung cấp cho người dân lựa chọn khác, thay thế xe cá nhân, bằng các phương tiện giao thông công cộng, như tuyến đường sắt đô thị metro. Nhưng TP.HCM đang gặp nút thắt ngay ở đây.
Đường sắt Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro đầu tiên của thành phố đã bị đình trệ trong nhiều năm qua, dự kiến đến cuối 2023 mới có thể đưa vào vận hành. Tuyến Bến Thành - Tham Lương thậm chí còn chưa bắt đầu thi công dù đã được phê duyệt từ hơn 10 năm trước, trong khi tất cả tuyến khác vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Hai tuyến metro này chỉ là hai trong số một loạt dự án bị trì hoãn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ đáng sống của một siêu đô thị như TP.HCM.
Xe gắn máy chiếm dụng lề đường và xe hơi chiếm dụng lòng đường gây cản trở giao thông và tầm nhìn đang là vấn nạn chưa được giải quyết của TP.HCM - Ảnh: TN |
Dự án xây dựng nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất tuy cần thiết nhưng vẫn chưa được triển khai sau nhiều năm thảo luận, và sẽ còn mất nhiều năm nữa cho sân bay Quốc tế Long Thành. Các tuyến đường vành đai và đường cao tốc đang bị trì hoãn nghiêm trọng, trong khi các đường cao tốc hiện có đang xuống cấp và quá tải. Công trình xây dựng hệ thống phòng chống ngập lụt quy mô lớn cũng bị trì hoãn kể từ 2018 và chưa có ngày hoàn thành ấn định, ngay cả khi ngập lụt và triều cường vẫn tiếp tục xảy ra khắp các quận trong thành phố.
Bangkok, một trong những thành phố ngang hàng với TP.HCM trong khu vực, tuy cũng đang đối mặt với những vấn đề lớn nhưng lại sở hữu mạng lưới giao thông công cộng tương đối lớn và đang trên đà phát triển. Không trải rộng khắp thành phố nhưng các tuyến tàu điện trên không và tàu điện ngầm ở Bangkok rất thuận tiện cho việc di chuyển tới nhiều khu vực.
Với tốc độ xây dựng tuyến đường sắt như hiện nay, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ, tôi e rằng TP.HCM khó có thể sánh ngang với Bangkok trong những thập kỷ tới. Điều này đặt ra một số câu hỏi đáng lo ngại về tương lai của thành phố.
Việc lưu thông trong thành phố vào năm 2030 hoặc 2040 sẽ thế nào nếu các tuyến đường sắt đô thị vẫn bị đình trệ, việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vẫn chưa được khởi công và các dự án đường sắt đô thị khác vẫn dừng ở giai đoạn lên kế hoạch?
Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, việc xuất nhập cảnh sẽ như thế nào nếu sân bay buộc phải tiếp tục hoạt động quá công suất?
Sẽ như thế nào nếu người dân sống tại Q.7 và các khu vực vùng trũng tiếp tục đối mặt với tình trạng ngập lụt dai dẳng do mưa và triều cường?
Nhiều dự án, công trình công cộng trong thành phố chỉ nhận được rất ít hoặc hầu như không nhận được nguồn vốn nào trong năm nay mặc dù đã được phân bổ ngân sách từ trước đó. Điều này cho thấy cần phải thay đổi chính sách và phân bổ thêm kinh phí cho TP.HCM, đồng thời đảm bảo sử dụng nguồn tiền một cách hợp lý.
Nhiều chính sách đã được đề xuất nhằm giải quyết những thách thức quan trọng này của thành phố, bao gồm quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng, mở rộng sân bay và xây dựng hệ thống thoát nước chống ngập lụt. Tuy nhiên, quy trình thực hiện cần phải linh hoạt hơn, đồng thời cần tận dụng nguồn kinh phí một cách hiệu quả. TP.HCM cũng nên được cho phép giữ thêm nguồn thu để đầu tư vào các dự án cho thành phố. Nếu không có các quy trình lập kế hoạch nhanh chóng và hiệu quả, kết hợp với việc thiếu hụt kinh phí, tương lai của thành phố sẽ trở nên chênh vênh.
Chỉ khi những bài toán trên có lời giải thì TP.HCM mới có thể trở thành một thành phố năng động và là siêu đô thị đáng sống cho hàng chục triệu cư dân trong tương lai.
Theo VnExpress