Gần 60% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về nguồn vốn và lãi suất

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:00, 16/11/2022

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, vượt khỏi dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, chặng đường tăng trưởng và phục hồi của doanh nghiệp (DN) Việt ngày càng khó khăn hơn.
Gần 60% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về nguồn vốn và lãi suất

Trong khi khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, DN Việt tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn mới, từ giá hàng hoá, vật tư, nguyên liệu tăng, cho đến rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam với các nước trên thế giới rất lớn, nên khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn suy thoái, lạm phát tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu.

Theo kết quả khảo sát gần đây từ Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có 5 khó khăn mà cộng đồng DN VNR500 đang gặp phải, gồm biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; cạnh tranh giữa các DN cùng ngành; rủi ro từ chuỗi cung ứng; sức ép đến từ tỷ giá gia tăng và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm.

Trong đó, biến động giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào là khó khăn hàng đầu mà DN đang đối mặt. Có 78,8% DN ghi nhận chi phí nguyên vật liệu tăng, trong đó 19,7% DN báo cáo khoản chi này tăng đáng kể. Gần 50% DN dự báo tình trạng này còn tiếp diễn đến cuối năm 2023, thậm chí có 38% DN cho rằng tình trạng này sẽ kéo dài sau năm 2023. 

Khi Việt Nam mở cửa kinh tế hậu Covid-19 cuối năm 2021, nhiều DN tin rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện trong quý II/2022. Song, các bất ổn chính trị thế giới mới nảy sinh cũng như chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc khiến 77,9% DN lo ngại về rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng, có thể kéo dài sang năm 2023 và cả sau đó.

Bên cạnh đó, những lo ngại về chính trị, sự bất ổn về tình hình tài chính - tiền tệ trên thế giới cũng tác động không nhỏ tới cộng đồng DN Việt. Hiện, độ mở của nền kinh tế lên tới 200% GDP, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của DN còn hạn chế. Có đến 70% DN được khảo sát cho biết đang chịu sức ép từ tỷ giá tăng và gần 60% số DN đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn, lãi suất tăng cao. 

-5903-1668569577.png

Khảo sát doanh nghiệp VNR500 được Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022 

Theo các chuyên gia, việc giữ mặt bằng lãi suất và tỷ giá ổn định suốt thời gian qua đã góp phần giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điều này không được tiếp tục duy trì khi vào nửa cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới biên độ tỷ giá giữa VND và USD từ 3% lên 5% và tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm.

Với việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẵn sàng tăng lãi suất lên 4,5% vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực phải thắt chặt chính sách để bảo đảm ổn định tiền tệ và tài chính. Lạm phát tăng có thể sẽ thúc đẩy FED tiếp tục tăng lãi suất, do đó lạm phát có thể sẽ tăng hơn nữa trong những tháng tới và được dự báo đạt đỉnh vào quý II/2023.

Lạm phát khiến sức mua tại các nền kinh tế lớn giảm mạnh, khiến xuất khẩu Việt Nam vì thế kém thuận lợi, kéo theo sau là sự sụt giảm số lượng đơn hàng của DN. Với dấu hiệu suy giảm của kinh tế toàn cầu vào năm tới, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu nhiều sức ép. 

Hơn nữa, nhiều chuyên gia kinh tế của Fitch, EIU cũng cho rằng việc tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2023, nhưng sự suy thoái tại các thị trường điểm đến chính sẽ hạn chế tốc độ mở rộng nền kinh tế, ngay cả khi Việt Nam tiếp tục tăng tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, DN tỏ ra rất thận trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh ngắn và trung hạn. Theo khảo sát của Vietnam Report, phần lớn DN tập trung vào các chiến lược truyền thống như đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường phát triển văn hóa DN, tăng cường hoạt động kinh doanh cốt lõi và cải thiện cơ cấu chi phí.

Kinh nghiệm rút ra từ quá trình ứng phó với đại dịch cũng như các bất ổn kinh tế thế giới thời gian gần đây đã khiến DN đầu tư vào cải thiện kế hoạch quản lý rủi ro, bảo đảm kinh doanh liên tục (94,5%) song song với việc chuyển đổi, linh hoạt với chuỗi cung ứng (89,2%). 

Ngày 15/11/2022, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022. Trong đó, Top 10 đứng đầu Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022 theo thứ tự gồm Samsung, PetroVietnam, EVN, Petrolimex, Hòa Phát, Viettel, Vingroup, Agribank, Thế Giới Di Động, BIDV.

Top 10 đứng đầu Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022 theo thứ tự gồm: Hòa Phát, Vingroup, Thế giới Di Động, Masan Group, Doji, VPBank, Vinamilk, Thaco, TC Group, Techcombank. Đây là năm thứ 16 Bảng xếp hạng VNR500 được thực hiện và đã tôn vinh 2.500 DN hàng đầu, trong đó có 259 DN có tên trong cả 16 lần công bố.

H.Ng