Doanh nghiệp gặp khó, hơn 31.300 lao động bị chấm dứt hợp đồng
Trong nước - Ngày đăng : 05:30, 17/11/2022
Cụ thể, có 441 doanh nghiệp với hơn 624.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, có 562.400 lao động bị giảm giờ làm và 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Số doanh nghiệp và lao động này chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam.
Đặc biệt, gần 90.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Gần 2.000 người lao động bị nợ lương với số tiền 70 tỷ đồng.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vừa qua nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực gỗ, dệt may, da giày bị giảm đơn hàng, dẫn đến thu hẹp sản xuất và phải cắt giảm lao động. Đơn cử tại TP.HCM, Công ty TNHH Tỷ Hùng (Bình Tân) phải cho gần 1.200 lao động nghỉ việc hay Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi) dự kiến giảm hơn 1.400 công nhân.
Trước tình hình trên, ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết Cục đã lưu ý các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc phải bảo đảm quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm cho lao động bị mất việc.
Bên cạnh giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc, ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị người lao động nên tranh thủ giai đoạn này để học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề nhằm ứng phó với tình hình mới.
Mặt khác, trong việc triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động, ông Hải đề nghị, doanh nghiệp nên xem những lao động đang có nguy cơ mất việc là đối tượng ưu tiên để được hưởng sự hỗ trợ kịp thời.