Diễn đàn kinh tế 2023: Cần cơ chế tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt sóng
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:00, 18/11/2022
Toàn cảnh Diễn đàn "Kinh tế Việt Nam năm 2023 - Cùng doanh nghiệp vượt sóng |
Đó là nhận định của ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại diễn đàn "Kinh tế Việt Nam năm 2023 - Cùng doanh nghiệp vượt sóng" do Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức, vừa diễn ra chiều 17/11/2022 tại Hà Nội.
Theo ông Phòng, trung bình mỗi tháng có hơn 18.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay lại hoạt động, nhưng cũng có 12.500 DN rút khỏi thị trường. Như vậy, cứ 10 DN gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 DN tạm thời hoặc vĩnh viễn ngừng kinh doanh.
Vừa chịu tác động bởi khó khăn của kinh tế trong và ngoài nước, DN Việt còn gặp nhiều rủi ro trong môi trường kinh doanh, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Rất nhiều DN gặp khó khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng. Cùng với đó, thị trường chứng khoán với những diễn biến bất thường, chưa ổn định, còn DN dệt may và một số ngành hàng khác chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế để khối DN tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ, đồng thời cần cơ chế tạo động lực cho DN thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này sẽ giúp các DN "vượt sóng" trong giai đoạn khó khăn.
Về phía DN, ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư tư nhân hiệu quả trong bối cảnh mới, quan tâm đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nơi tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.
Nhìn lại tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 10 năm qua, ông Bình nhận xét đã có sự thay đổi lớn: Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ 0,8 triệu tỷ đồng năm 2010 đã tăng lên gần 29 triệu tỷ đồng năm 2021. Trong đó, DN tư nhân đóng góp khoảng 0,3 triệu tỷ đồng năm 2010 tăng lên 1,7 triệu tỷ đồng hồi năm 2021.
Giai đoạn 2017-2021, khi tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giảm từ 18,7% còn 7,2%, khu vực tư nhân vẫn tăng mạnh trong giai đoạn dịch, được sự hỗ trợ bởi lĩnh vực chứng khoán. Tỷ trọng cơ cấu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng trưởng từ 38% năm 2011-2015 lên gần 60% năm 2021, cho thấy nguồn lực của nền kinh tế phân bổ lớn cho khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua.
Về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) có xu thế đảo chiều giai đoạn 2010-2021, qua đó cho thấy nếu năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP. Như vậy, khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Thế nhưng trong giai đoạn dịch vừa qua, khi khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn cho 1 đồng GDP thì khu vực tư nhân lại cần đến 23 đồng. Giám đốc điều hành Economica VietNam nhận định: "Thời kỳ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua rồi. Sự suy giảm của hệ số ICOR đầu tư tư nhân trong 2 năm qua có thể là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ tăng sản lượng chỉ bằng cách tăng nguồn vốn đầu tư đã qua và khu vực kinh tế tư nhân cần tìm các động lực khác để đóng góp cho gia tăng sản lượng, gia tăng tăng trường như công nghệ và nguồn nhân lực".
Theo ông Lê Duy Bình, hệ số ICOR xấu đi của đầu tư tư nhân trong 2 năm qua cũng có tác động của đại dịch Covid-19, của quy luật hiệu quả lợi nhuận cận biên giảm dần, của điểm tới hạn của mô hình dựa chủ yếu vào đóng góp của yếu tố đầu vào là vốn mà không chú trọng tới các yếu tố khác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, chuyển đổi số sẽ giúp DN thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới và sớm vượt qua khủng hoảng. Theo đó, khi gặp khủng hoảng, những DN có áp dụng chuyển đổi số sẽ phục hồi nhanh hơn. Các DN này cũng lấy lại tốc độ tăng trưởng với tỷ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu lớn hơn sau khủng hoảng. Do đó, ông Đường khuyến nghị, việc cắt giảm chi phí là điều cần thiết, nhưng các DN vẫn nên giữ lại một phần dành cho chuyển đổi số.