Thượng đỉnh G20: Rạn nứt về vấn đề Ukraine phủ bóng

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 18/11/2022

Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa khép lại sau 2 ngày, với vấn đề Ukraine, kinh tế, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu phủ bóng chương trình nghị sự.

Các thành viên G20 đã thông qua Tuyên bố Bali, khẳng định sự đồng thuận của các nước về nhiều vấn đề nóng của thế giới, bất chấp lo ngại về chia rẽ liên quan đến chiến sự Nga - UkraineNhững kế hoạch và đề xuất trong tuyên bố chung này được cho là sẽ trở thành nền tảng cơ bản giải quyết các thách thức mà thế giới đang đối mặt.

Các điểm nổi bật trong chương trình nghị sự gồm chiến sự Nga - Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung, nền kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và một số vấn đề nóng khác.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo chuyển giao vai trò Chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 16.11

Tổng thống Indonesia Joko Widodo chuyển giao vai trò Chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 16/11/2022. Ảnh: Reuters.

Rạn nứt về vấn đề Ukraine phủ bóng

Đầu năm nay, những cuộc gặp của bộ trưởng G20 đã kết thúc mà không đưa ra được bất cứ tuyên bố chung nào, khi vấp phải sự phản đối đề cập tới chiến dịch quân sự tại Ukraine của Nga - một thành viên của G20. Tuy nhiên, G20 dịp này đã thông qua được tuyên bố chung, với "hầu hết" thành viên lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moskva rút quân vô điều kiện.

Dẫn tuyên bố, Reuters cho biết các lãnh đạo đã tái khẳng định lập trường họ từng đưa ra ở các diễn đàn khác, trong đó có cả một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc "lên án" chiến dịch của Nga "bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất".

"Hầu hết thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây đau khổ cho con người, khiến nền kinh tế toàn cầu thêm mong manh, kìm hãm tăng trưởng, tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, tăng tình trạng mất an ninh năng lượng và lương thực cũng như tăng rủi ro về ổn định tài chính", tuyên bố chung có đoạn viết.

Cũng trong văn bản này, các lãnh đạo G20 nói "việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được". "Việc giải quyết hòa bình các xung đột, nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại, là vô cùng quan trọng", tuyên bố nêu.

Tuy nhiên, cần biết rằng tuyên bố chung thừa nhận vẫn "có các quan điểm và đánh giá khác biệt về tình hình Ukraine cũng như biện pháp trừng phạt", và G20 "không phải diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh". Theo Al Jazeera, từ khi Hội nghị khai mạc, chủ nhà Indonesia đã kêu gọi đoàn kết bất chấp những rạn nứt về cuộc xung đột, song các bên đều có quan điểm riêng về vấn đề này.

Thay cho Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham gia Hội nghị G20 lần này, do "tình hình hiện nay đòi hỏi Tổng thống Putin ở lại Nga", theo Điện Kremlin. Ảnh: AFP

Thay cho ông Putin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham gia Hội nghị G20 lần này, do "tình hình hiện nay đòi hỏi Tổng thống ở lại Nga", theo Điện Kremlin. Ảnh: AFP

Phát biểu qua video tại Hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các lãnh đạo G20 thông qua kế hoạch hòa bình 10 điểm mà ông đề xuất và chấm dứt chiến sự một cách hợp lý, trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc lẫn luật pháp quốc tế.

"Không nên đề xuất Ukraine ký các thỏa hiệp ảnh hưởng tới lương tâm, chủ quyền, lãnh thổ và độc lập. Chúng tôi tôn trọng các quy tắc và chúng tôi là những người giữ lời hứa", ông Zelensky nói, đồng thời khẳng định sẽ từ chối mọi cuộc đàm phán tương tự các thỏa thuận giữa Ukraine và Nga vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Ukraine kéo dài cuộc xung đột. Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị, ông nói Ukraine từ chối đàm phán với Nga và đã đưa ra những điều kiện hòa bình phi thực tế.

Quan hệ Mỹ - Trung có dấu hiệu tích cực

Bên lề Hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp và nhắc lại điều 2 bên thống nhất là chiến tranh hạt nhân không bao giờ được xảy ra. Theo thông báo của Nhà Trắng, 2 lãnh đạo đã nhấn mạnh họ phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Không đề cập trực tiếp đến chiến sự Nga - Ukraine trong bài phát biểu trước cuộc họp G20, ông Tập chỉ kêu gọi tăng cường đoàn kết toàn cầu. "Điều cấp thiết là tất cả quốc gia phải đi theo tầm nhìn về một cộng đồng với tương lai chung của nhân loại, ủng hộ hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi. Chia rẽ và đối đầu không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai. Chỉ có đoàn kết và cùng phát triển mới là sự lựa chọn đúng đắn", ông nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp trước thềm G20 ở Bali, Indonesia ngày 14/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp trước thềm G20 ở Bali, Indonesia ngày 14/11/2022. Ảnh: Sky News

Dù không mang lại kết quả đột phá, song cuộc gặp bên lề Hội nghị của ông Biden và ông Tập được đánh giá là dấu hiệu tích cực giúp quan hệ Mỹ - Trung trở nên ổn định sau thời gian dài leo thang căng thẳng.

Trên thực tế, cuộc gặp không giúp giải quyết các bất đồng lớn, nhất là vấn đề Đài Loan, hạn chế thương mại và chuyển giao công nghệ, nhưng 2 bên đều nhất trí nối lại liên lạc và tránh đối đầu. Kết quả cụ thể nhất có lẽ là kế hoạch thăm Trung Quốc vào đầu năm 2023 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Tập trung vào kinh tế và kiểm soát lãi suất

Các lãnh đạo G20 nhất trí sẽ kiểm soát đà tăng lãi suất thận trọng để tránh các tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu. Đây là thay đổi lớn so với năm ngoái, khi các nước chủ yếu tập trung vào khắc phục hậu quả từ Covid-19. Chiến sự Nga - Ukraine cùng các gói chi tiêu khổng lồ thời đại dịch được xem là lý do khiến lạm phát tăng phi mã.

Theo đó, Hội nghị nhất trí rằng các biện pháp kích thích tài chính tiếp theo chỉ nên "tạm thời và có mục tiêu". Các lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng các ngân hàng trung ương G20 phải điều chỉnh thích hợp tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, và tái khẳng định cam kết tránh biến động tỷ giá quá mức, để tránh "tác động xuyên quốc gia".

"Các ngân hàng trung ương G20... đang theo dõi chặt chẽ tác động của áp lực giá lên dự báo lạm phát và sẽ tiếp tục điều chỉnh một cách thích hợp tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, căn cứ vào dữ liệu và thông báo với nhau một cách rõ ràng", tuyên bố chung viết.

Về vấn đề nợ, Hội nghị bày tỏ quan ngại trước tình hình tệ đi ở một số nước có thu nhập trung bình và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các chủ nợ cùng san sẻ gánh nặng. Tại Hội nghị, có nhiều tiếng nói kêu gọi Trung Quốc thúc đẩy các nỗ lực tái cơ cấu nợ cho các nước gặp nhiều khó khăn. Nội dung này được đề cập trong thượng đỉnh Mỹ - Trung, với việc hai lãnh đạo nhất trí thúc đẩy đàm phán về vấn đề xóa nợ được đánh giá sẽ giúp thúc đẩy tiến triển về vấn đề này.

Do vậy, việc khôi phục tốc độ tăng trưởng gần như là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Việc khôi phục tốc độ tăng trưởng gần như là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của G20. Ảnh: Phiên họp các trưởng đoàn chuẩn bị cho G20 tại Jakarta, Indonesia, ngày 18/2/2022 - Reuters

Nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Theo Reuters, lãnh đạo G20 đều nhất trí theo đuổi nỗ lực để nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng ở mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu, và thừa nhận tính cấp bách của việc loại bỏ hoàn toàn than đá. Động thái này có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập.

Đặc phái viên về khí hậu của Đức Jennifer Morgan nhận định: "Các lãnh đạo G20 đã gửi tín hiệu quan trọng tới các bộ trưởng và nhà đàm phán tại COP27 và toàn thế giới: Mục tiêu 1,5 độ C là kim chỉ nam cho mọi tham vọng và hành động về khí hậu của chúng ta. G20 ủng hộ hiệp ước khí hậu Glasgow và không thể có bất kỳ sự lùi bước nào đối với vấn đề này ở Sharm El-Sheikh".

Bên lề Hội nghị, Mỹ, Nhật Bản và các đối tác cho biết sẽ huy động 20 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân để giúp Indonesia đóng cửa các nhà máy điện than. Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đồng ý nối lại hợp tác Mỹ - Trung về chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Lễ ra mắt một Quỹ đối phó với các đại dịch tương lai, hiện đã nhận đóng góp 1,4 tỷ USD, được đánh giá là một trong những thành công của G20 năm nay.

Khởi Vũ