Việt Nam hợp tác với Đức phát triển công nghệ xanh, kinh tế số

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 19/11/2022

Việt Nam và Đức sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó, hai bên chú trọng chuyển giao tri thức, công nghệ, phát triển mô hình sản xuất bền vững gắn với tiêu dùng bền vững.
Việt Nam hợp tác với Đức phát triển công nghệ xanh, kinh tế số

Đó là nội dung đã được bàn bạc tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Andreas Scheuer - Đại biểu Quốc hội Liên bang, cựu Bộ trưởng giao thông và Hạ tầng số Liên bang Đức, Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu châu Á (Asia Bridges Association). Buổi làm việc diễn ra tại trụ sở Bộ Công Thương tại Hà Nội ngày 18/11.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn ông Scheuer có thể trở thành cầu nối cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số… và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tại Đức.

Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều khó khăn, Việt Nam và Đức cần nỗ lực hợp tác, cùng nhau định hình chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu mới, qua đó tạo sức chống chịu tốt trước khủng hoảng.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Andreas Scheuer.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Andreas Scheuer

Ngoài ra, hai nước cần hợp tác phát triển một số ngành phù hợp với xu thế toàn cầu như công nghệ xanh, sử dụng năng lượng mới, các lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử… Bên cạnh đó, hai bên có thể xem xét hợp tác ở một số ngành công nghiệp như vật liệu, cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, hóa chất, dược phẩm...

Về phần mình, ông Scheuer cam kết sẽ sẵn sàng trở thành cầu nối để ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - trụ cột của nền kinh tế Đức.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Đối với thị trường Đức, Việt Nam thường xuất khẩu các mặt hàng như máy móc, thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản… Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô… từ nước này.

Trọng Nhân