Khi các chuyên gia bàn cách bảo đảm tính bền vững trong thiết kế bao bì
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 02:00, 20/11/2022
Sự kiện gồm Diễn đàn VMARK Design Voices | Graphic; Triển lãm VMARK Design Voices và Cocktail & Canape – Networking.
Trong đó, phần quan trọng nhất là diễn đàn VMARK Design Voices | Graphic bàn về chủ đề Tính bền vững trong thiết kế bao bì (Sustainability in Packaging Design), thu hút hơn 300 khách mời gồm các chuyên gia thiết kế đồ họa, bao bì, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chuyên sáng tạo, thiết kế bao bì sản phẩm, cùng Lãnh sự quán Ý, ICham (Ý) và ThaiCham (Thái Lan).
Các khách mời đã có phiên thảo luận về tư duy thiết kế ứng dụng vào thiết kế bao bì, đưa ra giải pháp thiết thực xung quanh việc giảm thiểu rác thải nhựa và bảo đảm tính bền vững trong thiết kế và bao bì.
Về phương pháp tạo ra thiết kế bền vững, Giám đốc Điều hành Inde Pacific Capital Calvin Lam chia sẻ, việc giảm thiểu năng lượng đến từ những việc nhỏ nhặt nhất, gồm quá trình thiết kế. Để có một doanh nghiệp xanh với thiết kế bao bì bền vững hơn, doanh nghiệp nên sản xuất ít mẫu thử nghiệm hơn trước khi có được sản phẩm cuối, đồng thời rút ngắn thời gian vận hành.
Khách mời tham quan các gian hàng tại khu vực triển lãm |
Trong khi đó, bà Elena Đặng từ thương hiệu Pro-Art khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư vào các thiết bị máy tính có độ chính xác, độ chi tiết cao để có được một doanh nghiệp với thiết kế bao bì bền vững.
Ông Joshua Breidenbach - nhà sáng lập Rice Studios cũng đóng góp thêm nhận định về loại vật liệu tối ưu hiệu quả tài chính: "Không có gì rẻ hơn nhựa sử dụng một lần. Mọi giải pháp ngoài nhựa đều đắt hơn. Các giải pháp bền vững thường đắt nhất và sẽ cần nhiều nhu cầu hơn để bắt đầu đưa ra sự thật này. Các thương hiệu có thể biện minh cho chi phí cao hơn như là một phần trong ngân sách tiếp thị của họ".
Nhiều chuyên gia và khách mời cho rằng thiết kế bao bì cần lưu ý đến sự thông minh và bền vững. Hiện, các sản phẩm đưa ra thị trường Việt Nam rất được khách hàng trẻ Việt ưa chuộng nếu bao bì mang tính bền vững, sáng tạo và mang bản sắc văn hóa Việt. Đó là động lực để doanh nghiệp phát triển các sản phẩm bao bì bền vững, bảo vệ môi trường.
Ông Joshua Breidenbach - nhà sáng lập Rice Studios trình bày tại diễn đàn VMARK Design Voices | Graphic |
Tham gia sự kiện, đại diện công ty QLM Label Group chia sẻ: "Với ý tưởng không có bao bì hay giảm thiểu bao bì, ai sẽ chịu trách nhiệm thực thi tính bền vững, là cơ quan quản lý, công ty hay người tiêu dùng? Chúng ta hoàn toàn 'nghiện' mọi thứ dùng một lần. Làm cách nào để chúng ta chống lại các lợi ích cạnh tranh về 'chi phí thấp' và 'sự tiện lợi' để đạt được sự bền vững? Các câu trả lời của các chuyên gia đã làm tôi ngạc nhiên và được truyền cảm hứng".
Tại khu vực triển lãm, khách mời được chiêm ngưỡng các khu vực trưng bày sản phẩm từ thương hiệu ProArt/Asus, Marou, Cafe 365, Purple Asia, Plastic People, SR, VMS… Đặc biệt, khách mời không chỉ tiếp xúc với sản phẩm bằng thị giác mà còn được trải nghiệm sử dụng.
Báo cáo được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố năm 2021 cho thấy thế giới thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa, có đến 50% là từ bao bì sản phẩm, nhưng lượng rác được tái chế chỉ đạt 9%; 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, các nhà sản xuất cần thay đổi cấu trúc bao bì để tạo ra sản phẩm mang tính bền vững, bảo vệ môi trường, tạo giá trị và sức mạnh đối với cộng đồng.