Bộ Tài chính họp khẩn để gỡ khó cho thị trường chứng khoán
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:00, 24/11/2022
Cuộc họp khẩn của Bộ Tài chính có sự tham dự của 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp |
Tại cuộc họp, đại diện các công ty chứng khoán cho biết hiện các kênh huy động vốn của doanh nghiệp (DN) đều bị tắc và cần được nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để tạo dòng vốn lưu thông. Theo ông Phớc, thời gian qua, kể từ vụ việc Tân Hoàng Minh, FLC, An Đông và Ngân hàng SCB, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu DN. Các nhà đầu tư cũng dần mất niềm tin với trái phiếu và cổ phiếu.
Về sự suy yếu của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, so với đầu năm 2022, VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38%. Nhiều cổ phiếu mất 70% giá trị và vấn đề thanh khoản rất hạn chế. Trong khi đó, thị trường tiền tệ và tín dụng cũng biến động bởi nguồn tín dụng bị thắt chặt, lãi suất liên tục tăng cao, lãi suất huy động trên 10%/năm.
Về phía công ty chứng khoán, Tổng giám đốc của VNDIRECT Nguyễn Vũ Long phản ánh tình trạng các kênh huy động vốn của DN đều đang bị tắc. Ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, đầu quý III/2022.
Các kênh huy động vốn khác của DN như thị trường cổ phiếu gần đây rất khó khăn, trong khi đó, kênh trái phiếu trong quý IV/2022 gần như không có DN nào huy động được trái phiếu mới. Do đó, theo ông Long, điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản tạo dòng vốn lưu thông cho DN. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất thường đến từ tín dụng ngân hàng, nhưng hiện các ngân hàng đã cạn room, không thể cho vay mới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu DN. |
Cùng quan tâm về vấn đề ách tắc trong huy động vốn, bà Trần Thị Thu Trang - Phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội muốn làm sao có thể tăng khả năng huy động vốn của DN trên thị trường, tập trung vào thị trường phát hành ra công chúng, là sức mạnh nguồn vốn đến từ sức dân, có quy trình thẩm định rất chặt chẽ về pháp lý, giúp cho niềm tin của nhà đầu tư tăng lên.
Bà Trang khuyến nghị các cơ quan nhà nước xem xét lại quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích DN phát hành ra công chúng nhiều hơn. Nói về trách nhiệm của các DN phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho rằng, các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các nhà đầu tư vì đây không phải trách nhiệm của nhà nước.
Trong trường hợp cần thiết, các tổ chức này phải chủ động xoay xở tất cả kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền và thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu, có như vậy mới vực dậy niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu và thị trường trái phiếu DN mới có thể tiếp tục phát triển.