Võ Văn Kiệt: Người làm được nhiều việc lớn nhất cho dân, cho nước
Trong nước - Ngày đăng : 08:30, 24/11/2022
Đây có thể xem là sự khâm phục và đánh giá chân thành của lớp người đi trước đối với những người như ông Võ Văn Kiệt, người đã kế tục trung thành và xứng đáng con đường sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của đất nước.
Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW "về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung". Để làm tốt điều này, chúng ta lại phải quay về với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông được đánh giá là một trong những nhà cách mạng có tư duy đổi mới mang tầm lịch sử và vượt thời đại. Trong những thời khắc đặc biệt của lịch sử, chúng ta cần những con người đặc biệt và thật may mắn, ông Võ Văn Kiệt đã xuất hiện trong bối cảnh đặc biệt ấy của đất nước, của TP.HCM.
Sau thống nhất đất nước, TP.HCM có trên dưới 4 triệu dân và phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, trong đó có nạn đói rình rập. Trước tình hình ấy, Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt chỉ thị dứt khoát: "Không để một người dân nào chết đói".
Trước tình hình khẩn trương khi ấy cần lương thực cho dân, song nhìn trước, nhìn sau... làm như thế nào thì tất cả đều sai, muốn làm cần phải "xé rào". Vậy là quyết định "xé rào" đã được Bí thư Thành ủy bật đèn xanh. Phó giám đốc Sở Lương thực Thành phố báo cáo nếu Trung ương biết thì chỉ còn nước... đi tù. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt nửa đùa nửa thật rằng: "Vì chạy gạo cho dân mà phải đi tù ông sẽ thăm nuôi".
Ông Lữ Minh Châu - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện nay) đánh giá: "Tổ thu mua lúa gạo - tiền thân của Công ty Lương thực TP.HCM ra đời từ đây. Vì thực tế nồi cơm độn bo bo, khoai mì thúc bách, phải xé rào các chính sách nhưng hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chính Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt là người nảy ra ý tưởng ban đầu và nhận lãnh trách nhiệm cao nhất về chuyện xé rào, chạy gạo cho dân ăn này".
Rất nhiều công trình lớn của đất nước gắn liền với tên tuổi, mang dấu ấn của ông Võ Văn Kiệt như Thủy điện Trị An, khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, nhà máy lọc dầu Dung Quất... Trong những công trình ghi dấu ấn sâu đậm và cũng thể hiện rõ nhất tinh thần quyết đoán, dám làm dám chịu trách nhiệm của ông Võ Văn Kiệt là công trình đường dây 500KV.
Khi làm đường dây này, có nhiều ý kiến khác nhau trong đó có cả giáo sư người nước ngoài đã viết thư gửi cho Bộ Chính trị phản đối đề xuất xây dựng đường dây 500KV. Ông Vũ Ngọc Hải - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, "tổng công trình sư" đường dây 500KV cho biết, thư của vị giáo sư cũng khiến "nhiều thành viên Bộ Chính trị băn khoăn". Thế nhưng, khi các nhà khoa học trong nước luận chứng và khẳng định quyết tâm sẽ làm được, ông Võ Văn Kiệt đã quyết định làm và tuyên bố nếu đường dây 500KV Bắc - Nam không thành công, ông sẽ từ chức thủ tướng.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Hải, khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quyết tâm và ủng hộ xây dựng công trình đường dây 500KV, "phải nói rằng, vào thời điểm đầy khó khăn đó, nếu không có Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chúng tôi không làm được đường dây 500KV. Chỉ có sự quyết liệt của ông Kiệt mới có thể có đủ các điều kiện, kinh phí để làm tốt. Được Thủ tướng tin tưởng rồi, chúng tôi cứ thế bắt tay vào làm".
Sau năm 1975, ông đã thuyết phục được nhiều trí thức của chế độ Sài Gòn ở lại cộng tác đóng góp xây dựng đất nước. Giai đoạn đất nước, thành phố đầy khó khăn, nhiều trí thức đã tìm cách ra đi bằng con đường vượt biên và bị công an các tỉnh khác bắt, ông đã cho lực lượng của thành phố ra di lý về với lý do để xử lý, song thực ra để tìm cách cứu họ. Trên cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông đã tập hợp các chuyên gia để giúp ông nghiên cứu những vấn đề mà ông trăn trở, suy tư.
Năm 1982, Văn phòng Kinh tế của Bí thư Thành ủy được thành lập quy tụ rất nhiều trí thức tên tuổi, trong số đó có nhiều người của chế độ Sài Gòn, đặc biệt có cả TS. Nguyễn Xuân Oánh - cựu Quyền Thủ tướng chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ông đã tập hợp các trí thức xung quanh mình thành một nhóm chuyên gia: Nhóm Thứ Sáu (vì thường sinh hoạt vào ngày thứ sáu hàng tuần) bao gồm những chuyên gia như Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn... và những người tâm huyết với đất nước, dân tộc. Những ý kiến đóng góp quý báu của các trí thức đều được ông trân trọng lắng nghe và có những chỉ đạo kịp thời.
Ông Vũ Quốc Tuấn - nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1985-1994) cho biết: "Tuy vào thời điểm đó, có những tư tưởng kinh tế của văn phòng này không được nhiều người chấp nhận, nhưng riêng Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt vẫn rất trân trọng, khuyến khích anh em tiếp tục nghiên cứu và phát biểu".
Ông Phan Chánh Dưỡng - chuyên gia kinh tế cao cấp, thành viên của Nhóm Thứ Sáu cho biết, ông Võ Văn Kiệt "không câu nệ người ta là ai, ở đâu, miễn là kiến thức mà người ta nói ra nó phù hợp với việc xây dựng đất nước là ông ấy chịu khó nghe". Ông Phan Chánh Dưỡng cũng cho biết, ông Võ Văn Kiệt ở vị trí rất cao (Thủ tướng) song ông không câu nệ và sẵn sàng có mặt ở bất cứ chỗ nào miễn là nơi đó ông nhận được thông tin có lợi cho đất nước.
Cố chuyên gia kinh tế cao cấp Huỳnh Bửu Sơn - một thành viên khác của Nhóm Thứ Sáu cũng từng chia sẻ, nhiều khi ông Võ Văn Kiệt đã "trân mình" ra để lắng nghe các trí thức vì họ nói "đúng quá". Ông Vũ Quốc Tuấn cũng cho biết khoảng năm 1978, trước những khó khăn nhiều mặt của đất nước và thành phố, nhiều trí thức rời nước ra đi. Ông Võ Văn Kiệt đã gặp gỡ họ và khuyên họ ở lại. Ông hứa nếu trong vòng 3 năm nữa mà tình hình vẫn không thay đổi thì ông sẽ đưa ra phi trường.
Khi ấy, GS. Nguyễn Trọng Văn đáp lại rằng các ông sẵn sàng ở lại nhưng nếu 3 năm nữa mà tình hình không thay đổi thì người ra đi không phải là các ông. Kể lại câu chuyện này sau đó, ông Võ Văn Kiệt tự nhận rằng nghe vậy ông cũng đau lắm nhưng nghĩ là họ nói đúng vì để xảy ra tình hình đến mức xấu như vậy là trách nhiệm của những người lãnh đạo, trong đó có ông. Ông Võ Văn Kiệt luôn tâm niệm rằng: "Người lãnh đạo không phải cái gì cũng biết, nhưng một đức tính quan trọng nhất của người lãnh đạo là phải biết lắng nghe".
Ông Trần Đức Nguyên - nguyên Trưởng Ban Nguyên cứu của Thủ tướng, chuyên gia tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết, ông Võ Văn Kiệt luôn khuyến khích mọi người nói thẳng tất cả suy nghĩ của mình và dù có nói ngược với ý kiến của Thủ tướng cũng không sao, miễn là nói đúng và trúng... Với ông Võ Văn Kiệt, "trí thức là tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia, nếu quy tụ được sức người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể quy tụ...".
Sinh thời, ông từng nói: "Trí thức tận tụy hay không là tùy vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không phụ thuộc vào bản thân của trí thức, mà vào nhà lãnh đạo có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng".
GS. Cao Huy Thuần - Đại học Picardie (Pháp) cho rằng, sở dĩ ông Võ Văn Kiệt để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức bởi "ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức - một người trí thức như thế".
Là người có tư duy sáng tạo và đổi mới, ông Võ Văn Kiệt đã sớm quan tâm và ủng hộ cho các chủ trương, quyết sách hội nhập quốc tế. Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, bà được phân công đi phiên dịch cho chuyến công tác một nước phương Tây lần đầu tiên của Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt khi ông đại diện cho Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos.
Trong chuyến đi này, bà đã được ông Võ Văn Kiệt giao cho đi liên lạc với ông Nguyễn Văn Hảo - nguyên Phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn và kết nối để ông gặp ông Nguyễn Văn Hảo. Ông Nguyễn Văn Hảo đã nói: "Vì anh Sáu, tôi mới ở lại sau năm 1975" và "tôi trở về cũng vì anh Sáu". Bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng cho biết ngay tại diễn đàn này, ông Võ Văn Kiệt đã tranh thủ tham khảo kinh nghiệm xây dựng đất nước của nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Phát biểu tại hội thảo khoa học cấp quốc gia nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Võ Văn Kiệt sáng 22/11/2022, ông Đỗ Hùng Việt - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nói cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người "đi tiên phong" trong hoạch định đường lối đổi mới, để lại "di sản" đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây, cấm vận.
Từ những quyết sách quan trọng này mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ với nhiều quốc gia và tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận Việt Nam. Khi còn có những ý kiến "rụt rè" trong nội bộ về việc gia nhập ASEAN, chính ông Võ Văn Kiệt đã nhắc nhở: "Rụt rè, bỏ lỡ cơ hội này sẽ là thảm họa cho đất nước". Với tinh thần đó, năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN.
Đặc biệt, là người chịu nhiều mất mát do chiến tranh, song ông đã vượt lên nỗi đau riêng vì lợi ích quốc gia, dân tộc với những tư duy về hòa hợp dân tộc đặc biệt. Ông từng nói: "Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng".
Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cho biết sau ngày đất nước thống nhất, ông Võ Văn Kiệt đã giao cho Thành Đoàn thực hiện tổ chức lực lượng thanh niên xung phong. Lực lượng này với chủ trương hễ là thanh niên, bất kể xuất thân thế nào, miễn là tự nguyện thì được kết nạp vào lực lượng.
Phát biểu trước hàng nghìn thanh niên nam nữ trên sân vận động Thống Nhất vào ngày 28/3/1976, ông Võ Văn Kiệt đã mở đầu bài diễn văn trong ngày hôm ấy bằng câu "Các em yêu quý!". Sau khi xóa đi mặc cảm về "vết đen lý lịch", nhiều người "từ môi trường thanh niên xung phong những ngày đầu thống nhất ấy mà vươn lên đoạt lấy những thành công trong cuộc sống, trở thành "thần tượng", thành "người của công chúng" nhiều năm sau này.
Nhân dịp 30 năm ngày đất nước thống nhất 2005, trao đổi với Báo Quốc Tế về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc, ông Võ Văn Kiệt đã nói: "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.
Sau 30/4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó". Từ nỗi đau riêng của mình, ông đã vượt lên nỗi đau ấy vì hòa hợp, hòa giải dân tộc...
Phát biểu tại hội thảo về ông Võ Văn Kiệt, ông Trần Hữu Phước - thư ký thân cận nhiều năm của ông Võ Văn Kiệt cho biết, cố Thủ tướng là người mở đường cho phong trào đổi mới, vì nước, vì dân. "Chính khí phách như thế của Thủ tướng đã khơi dậy cả phong trào đổi mới để tháo gỡ khó khăn, làm cách mạng xanh vì nước vì dân. Từ đó, nhân dân Nam Bộ gọi ông là hiện tượng Võ Văn Kiệt, là ánh sao băng sáng rực trong công cuộc cách mạng đổi mới xây dựng đất nước".
(*) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh