M&A trầm lắng nhưng không "ngủ đông"
Đầu tư, M&A - Ngày đăng : 00:30, 24/11/2022
Chiều 23/11/2022, Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (DN) Việt Nam lần thứ 14 (M&A Vietnam Forum 2022) do Báo Đầu tư tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM.
Toàn cảnh Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (DN) Việt Nam lần thứ 14 |
Tại diễn đàn, Ban tổ chức vinh danh 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2021-2022; 12 tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu năm 2021-2022; 1 DN có chiến lược M&A tiêu biểu năm 2021-2022. Các thương vụ được bình chọn bởi hội đồng độc lập, dựa trên cơ sở đề cử từ các tổ chức và DN.
Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp khó khăn. Các nước đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi khiến lạm phát tăng cao, thậm chí đối mặt suy thoái. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điểm sáng trong bức tranh nhiều điểm tối của kinh tế toàn cầu. Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái, nhưng vẫn có điểm sáng thuộc các nước vùng Vịnh, khi khu vực này đang tận hưởng thu nhập cao từ giá dầu; họ đang có rất nhiều tiền và sẵn sàng đầu tư.
Đáng chú ý, các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ, với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng, vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tiện ích sẽ sớm sôi động lại với sự tham gia ngày càng đông của DN Việt Nam ở vai trò bên mua. Đặc biệt, cơ hội sẽ mở ra trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khi nhiều thương vụ được chuẩn bị nhiều năm qua sắp đi đến giai đoạn chốt vào năm 2023.
Các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của DN |
Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng thị trường M&A đang khá trầm lắng, khi số lượng và quy mô thương vụ cho thấy sự suy giảm rõ rệt. Báo cáo mới nhất của Công ty phân tích dữ liệu GlobalData, quý III/2022 là giai đoạn có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so cùng kỳ 2021.
Cụ thể, thị trường toàn cầu ghi nhận 8.258 thương vụ M&A, trị giá 544 tỷ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá 1.050 tỷ USD của quý III/2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.
Tại Việt Nam, thị trường M&A cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của năm 2020-2021. Theo dữ liệu từ KPMG, 10 tháng 2022, có gần 350 thương vụ M&A, giá trị đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so cùng kỳ 2021. Hiện, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).
Tuy nhiên, tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi DN Việt với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư gồm tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng trở nên "hot" nhất năm 2022, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.
Diễn đàn có 16 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức, các tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước |
Thị trường M&A hiện khá trầm lắng nhưng không có nghĩa sẽ rơi vào trạng thái "ngủ đông" trong thời gian tới, vì một số DN đang chuẩn bị M&A có thể sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư thực hiện việc mua lại các dự án hấp dẫn với định giá tài sản hợp lý hơn.