Xu hướng "xanh hóa" bất động sản bán lẻ
Bất động sản - Ngày đăng : 02:00, 24/11/2022
Funan Mall là trung tâm mua sắm có khu vườn rộng hơn 400m2 mang tên Edible Garden City |
Savills Việt Nam cho rằng, hiện các chủ đầu tư bất động sản (BĐS) bán lẻ trên thế giới đưa ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị, chỉ bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) trở thành yếu tố trung tâm trong chiến lược phát triển.
Lý do là nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sự bền vững. Người mua sắm và cộng đồng thích không gian xanh hơn, sạch hơn và sẽ trung thành hơn khi doanh nghiệp thực hiện cải tiến giá trị xã hội và môi trường.
Nhiều chủ trung tâm bán lẻ lớn cũng thừa nhận các dự án bảo đảm tiêu chuẩn bền vững sẽ hoạt động tốt hơn. Và, nếu không thể hiện được sự tích cực trong việc thực hiện các hoạt động ESG, cổ phiếu doanh nghiệp có thể rớt giá.
Như vậy, việc xây dựng BĐS theo hướng "xanh hóa" đang và sẽ tiếp tục trở thành xu hướng. Để bắt kịp chiến lược này, các chuyên gia Savills cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất cần thực hiện là giảm tiêu thụ năng lượng. Theo đó, việc giảm 20% năng lượng tiêu thụ tương đương tăng 5% tổng doanh thu. Đây là hành động vừa có lợi về mặt tài chính vừa có tác động tích cực lên môi trường.
Ngoài ra, rất nhiều tòa nhà bán lẻ hiện có mô hình xây dựng phù hợp với việc sử dụng điện năng lượng mặt trời. Do đó, doanh nghiệp nên tìm đến những nguồn cung ứng và sản xuất năng lượng sạch hơn cho dự án của mình. Bên cạnh đó, trung tâm bán lẻ cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm vật liệu thay thế, tái sử dụng cũng như ứng dụng các phương pháp xây dựng giúp giảm lượng phát thải carbon và kéo dài tuổi thọ của công trình.
Mặt khác, mỗi không gian bán lẻ không nhất thiết "chỉ dành cho bán lẻ" mà cần có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, người lao động cũng như dân cư. Việc vận hành đa mục đích giúp tăng sự bền vững, doanh thu ổn định cũng như tạo ra nhiều không gian hấp dẫn.
Các doanh nghiệp ở Việt có thể tham khảo cách làm của Trung tâm mua sắm Funan ở Singapore. Theo đó, Funan được phát triển đa mục đích, với không gian phục vụ bán lẻ, sinh hoạt, làm việc và các hoạt động cộng đồng. Nơi đây cũng được áp dụng nhiều biện pháp xanh trong thiết kế để giảm phát thải carbon, tái tạo năng lượng, thúc đẩy đa dạng sinh học, giao thông bền vững, hệ thống mái xanh (green roofs) và sản xuất lương thực đô thị.
Riêng tại Việt Nam, Savills đánh giá các dự án bán lẻ vẫn chưa chú trọng đầu tư ESG. Song, nhiều tiện ích về không gian xanh cũng được bố trí trong thiết kế để tăng sự hài lòng của khách hàng khi mua sắm. Đặc biệt, ở phân khúc BĐS văn phòng và khu công nghiệp, các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đã cung cấp cho thị trường nhiều dự án đạt tiêu chuẩn xanh, đáp ứng những yêu cầu của khách thuê.
Trong bối cảnh đó, các nhà phát triển tại Việt Nam cũng đang theo đuổi các tiêu chuẩn này để hướng đến các dự án văn phòng hạng A. Xu hướng phát triển ESG là không thể thiếu để xây dựng những địa điểm bán lẻ và trung tâm thành phố bền vững. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư cần nhìn nhận qua lăng kính của người tiêu dùng, đồng thời tương tác với khách thuê và các nhà hoạch định chính sách để xây dựng chiến lược phù hợp.