Bạc Liêu: Điểm đến tiềm năng nơi vùng đất chín rồng
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 25/11/2022
Hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19 nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu 10 tháng đầu năm 2022 đã hồi phục phát triển ổn định. Nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế - xã hội Bạc Liêu.
Sau 10 tháng đầu năm, sản lượng lúa đạt 945.536 tấn, đạt 77% kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì sự phát triển, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 10 tháng đạt 371.789 tấn, bằng 80,68% kế hoạch, tăng 8,12% cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng 16,1% so với năm ngoái. Trong đó, công nghiệp tái tạo, năng lượng sạch có mức phát triển đáng kể, đặc biệt có 8 dự án điện gió xây dựng và hoàn thành. Khu vực thương mại, dịch vụ tăng 15,89% so với cùng kỳ, đạt 47.934 tỷ đồng.
Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm của tỉnh Bạc Liêu tăng 9,88%, ước đạt 631,50 triệu USD, bằng 68,64% kế hoạch, tăng 9,88% so với cùng kỳ, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung vào mặt hàng thủy sản.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, tính đến hết tháng 8, tỉnh đón hơn 176 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó có 160 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 50.518,75 tỷ đồng và 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,489 tỷ USD. Ngoài ra, toàn tỉnh có 303 doanh nghiệp mới ra đời với vốn đăng ký 2.448 tỷ đồng là tín hiệu hết sức tích cực.
Thủ phủ điện gió, mũi nhọn kinh tế biển
Bạc Liêu đang được ghi nhận tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội xếp thứ ba tại khu vực ĐBSCL và vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Với bờ biển dài hơn 56km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, bình quân gần 7m/s, thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm, địa hình tương đối bằng phẳng, rất ít khi ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần... Bạc Liêu có rất nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nói không với nhiệt điện gây ảnh hưởng môi trường sinh thái.
Hiện tại, Bạc Liêu có 8 nhà máy điện gió đã hoàn thành đưa vào hoạt động cả trên biển lẫn trong đất liền với tổng công suất là 469,2MW (đứng thứ ba trong cả nước) tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh hằng năm khoảng 450 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 (142MW), nhà máy điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu giai đoạn 1 (Đông Hải 2), đặc biệt đã thu hút dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Ngoài thế mạnh về điện gió, Bạc Liêu với bờ biển dài, địa thế thuận lợi... để phát triển kinh tế biển. Cách đây 4 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đến thăm và làm việc Bạc Liêu đã nhắc đến từ khóa "ngành công nghiệp tôm" và chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu xây dựng để trở thành "thủ phủ ngành tôm" của Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 694 ngày 24/5/2017 về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phát triển tôm Bạc Liêu. Từ "đề bài" của người đứng đầu Chính phủ khi ấy đã gợi mở cho lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu những hướng đi mới mẻ cho ngành tôm.
Giờ đây, Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 140.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm lên đến 136.000ha, gần bằng một nửa diện tích toàn tỉnh. Những kết quả khả quan trên đã khẳng định rõ nét hướng đi đúng đắn của Bạc Liêu trong phát triển kinh tế biển dựa trên khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Tuy nhiên, so với tiềm năng của tỉnh, kết quả trên chưa tương xứng. Vẫn còn nhiều khoảng trống về chính sách chưa được lấp đầy, cần xử lý những điểm nghẽn, rào cản để kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung để Bạc Liêu phát triển bền vững.
Sẵn sàng "cất cánh"
Nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc, mới đây trong buổi làm việc với đoàn công tác Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Hội Nhà báo TP.HCM, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho thấy sự cởi mở, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe các cá nhân, doanh nghiệp, để từ đó có những chính sách phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; chủ động thu hút, huy động các nguồn vốn cho phát triển, mở rộng và nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Theo đó, với mục tiêu đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp, Bạc Liêu sẽ sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, đất đai và hạ tầng cơ sở để doanh nghiệp an tâm đầu tư lâu dài. Doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột gồm phát triển nông nghiệp và trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo, công nghiệp với trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí, du lịch, thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao và phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Xác định cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và phát triển đô thị, trong danh mục 132 dự án kêu gọi đầu tư trong năm nay, tỉnh Bạc Liêu kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm ở lĩnh vực kết cấu hạ tầng (23 dự án); thương mại và nhà ở (66 dự án); công nghiệp (7 dự án)... Ngoài ra, tỉnh còn hưởng lợi từ tuyến vành đai ven biển (quy hoạch giai đoạn 2021-2025 có tổng mức vốn 5.300 tỷ đồng) kết nối TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Với tất cả những yếu tố trên, Bạc Liêu đang trở thành điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư.