Thu hồi đất khi “thật cần thiết”...
Bất động sản - Ngày đăng : 04:30, 25/11/2022
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV, bàn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã cùng thảo luận và đưa ra ý kiến về việc thu hồi đất.
Theo quy định của Điều 54 Hiến pháp năm 2013, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết, do luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nghĩa là, dù Nhà nước có thu hồi đất vì mục đích gì thì vẫn cần phải đảm bảo yếu tố “thật cần thiết” và “được quy định trong luật” thì mới được thu hồi.
Thế nhưng, thực tế, Luật Đất đai hiện hành chưa quy định tiêu chí “thật cần thiết” phải thu hồi đất là như thế nào. Bà Mai Thị Phương Hoa - ĐBQH tỉnh Nam Định phân tích, thời gian qua, nhiều dự án sau khi được Nhà nước phê duyệt thì nhiều năm sau vẫn chưa triển khai hoặc triển khai dở dang. Có trường hợp sau một thời gian triển khai, dự án lại được thay đổi mục đích sử dụng đất. Như vậy, yếu tố “thật cần thiết” đã không được quan tâm thực hiện đúng.
Về cách thức thu hồi đất, ông Nguyễn Tuấn Anh - ĐBQH tỉnh Bình Phước đề xuất chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, đồng thời phân định rõ khu vực quốc phòng và khu vực đất kinh doanh. Ngoài ra, nếu Nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo bảng giá đất quy định. Trường hợp doanh nghiệp thu hồi thì phải trả theo giá thị trường và thỏa thuận với người dân.
Ông Tô Văn Tám - ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, đối với các dự án thương mại, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì nên thương lượng với người dân để mua lại, hoặc thỏa thuận cho dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi nếu việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế - xã hội theo lợi ích của cộng đồng, Nhà nước. Thế nhưng, họ sẽ không chấp nhận khi việc này chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, tạo kẽ hở lợi ích nhóm.
Ông Phan Thái Bình - ĐBQH tỉnh Quảng Nam khuyến nghị, Luật Đất đai phải có quy định nếu chưa bố trí tái định cư thì không được thu hồi đất. “Có những trường hợp thu hồi đất, nhưng 5-7 năm sau chưa bố trí tái định cư, quỹ đất tái định cư chưa có. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân”, ông Bình nói.
Ngoài ra, có một số trường hợp thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, các khu xử lý rác... Việc thi công các dự án này thường tác động xấu đến môi trường và điều kiện sống, là một trong những nguyên nhân khiến người dân khó lòng thỏa hiệp với việc thu hồi đất. Từ đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống, qua đó hỗ trợ phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho cộng đồng dân cư.