"Lớn lên trong... ăn uống!"
Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 26/11/2022
Nhưng một tác giả khác lớn tuổi ở trong nước vừa ra cuốn sách về món ăn Việt thì lại cho rằng: "Những món ngon là những món ta được ăn của một thời đã trôi đi không còn tìm lại được". Ý ông được hiểu là ăn uống để lại trong ta những ấn tượng đem theo tới già.
Vậy mà ngày nay rõ ràng là món ăn, cách ăn đã trở thành nghệ thuật và đố ai đếm được có bao nhiêu món ngon trên đời?
Theo các thống kê, điều tra ý kiến về món ăn thì lại càng... mênh mông. CNN cho biết, món bún chả thịt nướng bây giờ thuộc về Pakixtan. Người Việt cũng... không tiếc vì mới vừa đây thôi còn có Tổng thống Obama đi ăn bún chả Hà Nội. Việt Nam nay nhất về... bánh mì kẹp thịt với đồ chua nước sốt.
Tạp chí Vogue thì đề nghị những... 29 món cho những ai du lịch Việt Nam: bánh xèo, bánh khọt, bún riêu, gỏi cuốn, thịt kho tộ, bún bò Huế, cao lầu, bánh cuốn, bò lúc lắc... Chả biết có kịp ăn trong ít ngày rong chơi.
Nhiều người đã lớn lên trong kiểu ăn uống quen thuộc của mình, dù ẩm thực bây giờ là văn hóa chứ không như thuở đói nghèo, mẹ cho gì ăn cũng ngon. Lớn lên ăn nhiều thứ bổ và ngon hơn thì lại cứ nhớ về miếng ăn nghèo "ngon đứt lưỡi" ngày xưa. Và nghĩ chỉ xưa mới ngon. Ta đi ta nhớ "canh rau muống với cà dằm tương" là trong hoàn cảnh ấy. Chứ bây giờ ăn uống đã... có cả trend rồi.
Trend của thế giới ẩm thực bây giờ là bio - hữu cơ sinh học, rượu cũng phải không hóa chất sulfat. Rượu Orange Wine sẽ được ưa chuộng vì sản xuất theo kiểu truyền thống, chôn dưới đất một thời gian dài và dùng luôn.
Một số người ra tận xứ xa mở hàng ăn cho biết như ở Ý, có những nhà hàng theo xu hướng "Km 0" tức là không phải đi chợ, họ có mảnh vườn kế bên tự trồng rau quả và cây gia vị, rau thơm.
Bây giờ con người ăn uống đa dạng. Ngày xưa có bà nội trợ làm "bếp trưởng" trong nhà thôi mà ngày làm cơm đãi khách, làm món canh thuôn thịt bò mà bảo lỡ quên mua rau dăm là bà bắt phải ra chợ mua về cho đủ. Bảo là khó tính thì bà trợn mắt: "Các con có biết vì sao các cụ xưa lại nói con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng? Là công thức nấu ăn đó, thịt gà phải có lá chanh, chó có riềng, lợn phải có hành. Nghe chửa?".
Khiếp, ăn uống mà kỹ vậy à?
Bây giờ người nào cũng thấy rau là quan trọng. Cơm không rau như đau không thuốc. Thế giới có những quy trình trồng rau hiện đại như thủy canh hay gieo hạt bằng robot, máng xối nước tự động - hoặc như chỉ có cọng rau thơm tí ti mà ở Đan Mạch họ có cả vườn rau thơm 6.500 mét vuông khổng lồ.
Ở Pháp có thành phố tổ chức những vườn rau nhỏ xen giữa khoảng trống các ngôi nhà - phát triển "nông nghiệp chia sẻ". Mà ở ta, bà con cũng trồng cây, hoa ở balcon, trồng rau trên sân thượng. Ăn những sản phẩm mình trồng mới sướng làm sao, khoe trên FB "của nhà giồng được".
Câu chuyện "tầm quan trọng của rau" được nhắc tới là có bà người Hà Nội đi chùa Yên Tử, lỡ té ngã xuống vực mà ăn cả... lá dương xỉ sống sót đó.
Ăn uống thành công nghiệp, thành nghệ thuật và văn hóa, nên nó sẽ ở trong con người khi ta lớn lên, thành ấn tượng, thành nhớ nhung.
À, thì ra nhà văn Thanh Việt hôm nay làm xôn xao cõi mạng là do vậy. Anh đã nhận giải văn học - báo chí với câu chuyện lớn lao về người vượt biển, về sự trưởng thành. Hôm nay thêm một góc nhìn - không chỉ những biến cố bão táp làm nên đời sống và ký ức, mà ăn uống, ẩm thực đã thành ký ức theo con người trong cả quá trình đời ta lớn lên...