Doanh nhân Hàng Vay Chi, hái “quả ngọt” sau 40 năm chèo lái Tập đoàn Việt Hương
Chân dung - Ngày đăng : 07:00, 26/11/2022
Trước sự thành công, lớn mạnh của Tập đoàn Việt Hương như hiện nay, ít ai hình dung doanh nghiệp này ban đầu chỉ là cơ sở kinh doanh cá thể được ông Hàng Vay Chi thành lập vào năm 1982 với hai trăm USD và bảy nhân viên, bao gồm cả… vợ chồng ông. Bước đầu kinh doanh với sản phẩm đầu tiên là bột canh, ông Hàng Vay Chi là chủ cơ sở nhưng phải làm đủ việc, từ thu mua nguyên liệu, đến bán hàng, lái xe, tiếp thị… Sau một thời gian mày mò, ông bắt tay vào sản xuất mì ăn liền Việt Hương. Đặt tên sản phẩm Việt Hương, theo ông, “đơn giản là ăn mì Việt có hương vị rất ngon”.
Khi đó, bột mì rất hiếm, vài cơ sở khác tìm cách pha trộn nguyên liệu. Riêng Việt Hương nhất quyết không làm vậy. Để giải quyết khâu nguyên liệu, ông Hàng Vay Chi mua hạt bo bo (sorghum), tức lúa miến, được nhập từ Liên Xô, chế biến thành bột có chất lượng gần bằng bột mì. Bên cạnh đó, ông còn nghĩ ra cách tiếp thị khác biệt, đó là nấu mì Việt Hương cho khách đến giao dịch hoặc chờ lấy hàng. “Tiếng lành đồn xa”, khách ăn khen ngon và giới thiệu nhau đến mua nhiều hơn. Nhờ chất lượng và hương vị đặc biệt, mì Việt Hương nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu mì đang thống lĩnh thị trường thời điểm đó.
Dù tạo dựng cơ nghiệp và kiếm được khá nhiều tiền từ mì ăn liền nhưng nhận thấy chính sách kinh tế có những thay đổi lớn vào những năm 1990, ông chủ cơ sở mì Việt Hương đã có quyết định táo bạo: Ngưng sản xuất mì, tìm hướng đi mới. Chia sẻ về quyết định lúc đó, ông Hàng Vay Chi cho biết: “Đất nước ta bước dần ra khỏi bao cấp, tiếp cận cơ chế thị trường. Những "ông lớn" nước ngoài sẵn sàng vào Việt Nam với nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến. Dự báo những cơ sở nhỏ sẽ không thể cạnh tranh. Trong khi, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất thiết họ phải xây dựng nhà máy sản xuất. Tôi muốn đón đầu cơ hội này”.
Những năm 1990, khi Nhà nước có Luật Doanh nghiệp thì Việt Hương chính thức trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Từ đó, Việt Hương liên tục mở rộng và đa dạng các lĩnh vực đầu tư, phát triển thêm nhiều ngành nghề khác như: nhà hàng, khách sạn, sản xuất song mây và ván sàn xuất khẩu. Dù không sản xuất mì gói nữa, ông Hàng Vay Chi vẫn giữ tên Việt Hương cho doanh nghiệp để định danh thương hiệu lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu.
Năm 1995 được xem là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Việt Hương khi triển khai xây dựng khu công nghiệp (KCN) Việt Hương 1 tại tỉnh Bình Dương, một trong số những KCN tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Để chuẩn bị tiền đề cho việc đầu tư KCN, ông Hàng Vay Chi mở nhà hàng, khách sạn đón nhà đầu tư các nước đến lưu trú và cùng họ nghiên cứu thị trường, vạch ra các phương án kinh doanh. Ông cho biết: “Tôi kết nối họ với ngân hàng, khách hàng, có trường hợp ứng vốn để họ tập trung sản xuất, tức tạo điều kiện tìm kiếm lợi nhuận cho họ trước. Cho thuê đất trong KCN thu lợi nhuận liền, nhưng tôi chủ trương xây dựng nhà xưởng cho thuê để giảm chi phí ban đầu cho nhà đầu tư”.
Đặc biệt, KCN Việt Hương 1 có đầy đủ hệ thống kiểm soát, xử lý nước thải, chất thải, điều mà ít chủ đầu tư làm được ở thời điểm bấy giờ. Chia sẻ về việc đầu tư 1 triệu USD xây dựng hệ thống xả thải đạt tiêu chuẩn loại B, mặc dù thời điểm đó, năm 1996 - 1997 chưa có quy định cụ thể về điều này, Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương cho biết: “Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Mỹ buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Doanh nghiệp vào thuê KCN của mình, nếu không tuân thủ quy định xả thải của nước nhập khẩu, thì hàng hóa sẽ không bán được. Mà không bán được hàng thì không có nguồn thu, lấy tiền đâu thuê mặt bằng tại KCN của mình, hoặc đơn giản là chuyển sang KCN khác để đáp ứng được các tiêu chuẩn về hàng hóa xuất khẩu của họ”.
Do đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nên chẳng bao lâu, KCN Việt Hương 1 đã được lấp đầy, một phần trong đó là nhờ các doanh nghiệp giới thiệu cho nhau tìm đến thuê nhà xưởng để sản xuất - kinh doanh theo cụm, theo ngành. Có doanh nghiệp lúc mới đến chỉ thuê 500m2 nhà xưởng với vốn lưu động rất khiêm tốn, sau 8 năm họ mở rộng đến 14 hecta, mỗi năm có doanh thu hàng trăm triệu USD.
Tiếp nối thành công của KCN Việt Hương 1, ông Hàng Vay Chi xây dựng KCN Việt Hương 2 với diện tích lớn hơn rất nhiều và đưa vào sử dụng năm 2003. Cả hai KCN với tổng diện tích gần 300 ha, tọa lạc ở vị trí đắc địa, đã thu hút hàng trăm công ty, trong đó 99% đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đến mở nhà máy với đa lĩnh vực, như dệt, nhuộm, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gia dụng, chế biến thủy hải sản…
Hai KCN Việt Hương được đánh giá là những KCN nòng cốt ở tỉnh Bình Dương với chất lượng dịch vụ tốt và có đóng góp lớn cho nền kinh tế địa phương. Hiện, Việt Hương Group đang điều hành trực tiếp 2000 - 3000 công nhân viên theo thời vụ, điều hành gián tiếp khoảng 35.000 công nhân viên trong hai KCN.
Năm 2005, Tập đoàn Việt Hương thành lập Công ty Liên doanh Dệt nhuộm Việt Hồng, chuyên dệt, nhuộm vải jeans với công suất 10 triệu mét/năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trải qua không ít khó khăn từ những chu kỳ tăng trưởng và chu kỳ khủng hoảng của nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nhưng sau tất cả, Việt Hương Group đã trụ vững và đặc biệt còn phát triển mạnh hơn trước. Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, suất đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào hai KCN Việt Hương không giảm mà lại tăng. Trong năm 2020, lượng xuất khẩu vải jeans của Công ty Việt Hồng tăng 30% so với trước dịch. Đạt được điều này là do một số nước bị ảnh hưởng dịch đã ngừng sản xuất, Chính phủ Việt Nam mạnh dạn đưa ra chủ trương mở cửa sản xuất và Việt Hương đã nắm bắt thời cơ, nhanh chóng tăng sản lượng chỉ sau một thời gian ngắn.
Bằng khả năng lãnh đạo, điều hành linh hoạt, sau 4 thập kỷ, doanh nhân Hàng Vay Chi đã đưa Tập đoàn Việt Hương thành doanh nghiệp lớn mạnh, có uy tín trong thị trường nội địa và quốc tế. Ông luôn tâm niệm “thương trường như chiến trường”, cũng cần có “binh thư”, “sách lược” để “đánh trận” và tướng lĩnh cầm quân không được khuất phục trước những khó khăn cả về chủ quan lẫn khách quan.
Khi được hỏi về thành công của KCN Việt Hương 1, Chủ tịch HĐQT Việt Hương Group từng nhận định: “Doanh nghiệp nhỏ phải đầu tư chiều sâu, đừng dàn trải, phải cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ tốt thì mới chinh phục được thị trường. Tôi tạo điều kiện cho khách hàng nền tảng tốt để họ yên tâm mang của cải vào đầu tư. Trong kinh doanh phải biết người biết ta mới lâu bền. Tôi đầu tư một bước cho nhà đầu tư, tuy lợi nhuận ít nhưng mà thu lời hoài vì họ gắn bó lâu dài với mình”.
Ông cũng không giấu niềm tự hào khi nhìn nhận: “Tôi chưa bao giờ thất bại vì không đầu tư dàn trải”. Và bí quyết của ông là: “Kinh doanh có lúc này lúc khác, có khó khăn, hoặc vướng mắc. Muốn thành công phải am hiểu về mặt hàng mình làm, biết nắm bắt thị trường, phán đoán rủi ro”.
Những nỗ lực, đóng góp của Tập đoàn Việt Hương và bản thân Chủ tịch HĐQT Hàng Vay Chi đã được Trung ương và TP.HCM ghi nhận qua nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý như Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Doanh nghiệp tiêu biểu, Chiến sĩ thi đua TP.HCM, Bằng khen thành tích… trong nhiều năm qua.
Với châm ngôn: “Đoàn kết - Sáng tạo - Vươn lên”, ông Hàng Vay Chi - Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương luôn khẳng định: “Những thành tựu mà Việt Hương đạt được hiện tại đều nhờ vào sự đóng góp công sức của những cộng sự, của công nhân viên Tập đoàn. Tôi luôn đặt lợi ích của anh chị em công nhân lên trên hết, bởi vì đó mới chính là lợi nhuận lớn nhất mà Việt Hương Group có được”.
Ông từng chia sẻ, với ông, thứ quý giá nhất là con người, là những cộng sự trong công việc. “Tôi có hàng ngàn công nhân, nhiều thế hệ cha con cùng làm việc nhưng không ai gọi tôi là "ông chủ”. Khi tôi mới mở nhà máy sản xuất, gần như 100% công nhân đi xe đạp đến xưởng làm việc. Hơn năm sau, hết lượt họ đi làm bằng xe máy. Và tôi đang muốn công nhân đều đi xe hơi hết”.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Hương cũng rất chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tạo sự gắn bó giữa công nhân viên với Công ty. Một trong những nét văn hóa của Việt Hương là mọi thành viên trong Công ty rất đoàn kết, hòa đồng, đặc biệt ban lãnh đạo không phải là người quản nhân viên mà là người chia sẻ, đồng hành cùng nhân viên trong cuộc sống, công việc. Bản thân ông Hàng Vay Chi cũng thường xuống nhà máy ăn cơm chung với công nhân, tranh thủ trò chuyện, kể cả nói chuyện vui với họ.
Ông Hàng Vay Chi làm việc với nhân viên - ảnh đăng trên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ngày 10/11/2009. |
Với tư duy này, Tập đoàn Việt Hương đã hết lòng chăm lo cho đội ngũ công nhân viên trong đại dịch Covid-19 vừa qua để ổn định sản xuất. Doanh nghiệp chủ động mua vaccine, tạo điều kiện tiêm ngừa kịp lúc, nhờ vậy tỷ lệ nhiễm Covid-19 của công nhân hai KCN ở mức thấp nhất tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh việc kinh doanh, Việt Hương Group cũng thấu hiểu được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong 40 năm qua, Việt Hương luôn đóng góp vào các hoạt động xã hội - từ thiện, như quỹ giáo dục, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ xây dựng nhà tình thương... Doanh nhân Hàng Vay Chi còn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để tạo cơ hội cho những người khởi nghiệp trẻ. Ông cho biết: “Chỉ cần có ý tưởng khả thi, có mục đích rõ ràng, tôi nhất định ủng hộ. Tôi cũng đầu tư xây dựng 4-5 trục nhà xưởng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm giảm chi phí đầu tư để họ tập trung làm ra sản phẩm tốt. Thời của mình khó khăn vất vả, giờ có cơ hội phải hỗ trợ người khác”.
Ngoài ra, Việt Hương cũng không quên nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển doanh nghiệp bền vững, qua các hoạt động xử lý tốt nước thải, hạn chế xả rác, phủ xanh hai KCN…
Với những thành tựu đã đạt được, Tập đoàn Việt Hương dưới sự chèo lái của doanh nhân Hàng Vay Chi đang tiếp tục phát huy, hoạt động kinh tế mạnh hơn, nới rộng KCN, sản xuất những sản phẩm mới chất lượng cao, bắt kịp nhịp độ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm của Việt Nam, mang lại lợi ích tích cực cho nền kinh tế nước nhà.
Trong hai thập kỷ qua, ông Hàng Vay Chi từng nhiều lần xuất hiện trong chuyên mục “Trò chuyện với doanh nhân” của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.
(Tổng hợp nội dung: Lê Hạnh-Thiết kế: Lê Hoàng Việt--Ảnh: Minh Phú và hình tư liệu