Sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA: Thị phần doanh nghiệp Việt còn thấp
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:51, 27/11/2022
Chia sẻ thách thức mà DN đang phải đối mặt, tại hội thảo "Xuất khẩu vào các thị trường FTA - Giải bài toán phát triển bền vững" do Báo Công Thương tổ chức mới đây, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, khi xuất khẩu sang EU, thách thức lớn đối với thủy sản là bảo đảm quy tắc xuất xứ. Mặc dù VASEP, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp đào tạo cho DN bảo đảm về chứng nhận xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi việc không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp C/O, quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, thẻ vàng IUU là yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang EU.
Ngoài ra, còn có các thách thức khác về dài hạn như yêu cầu chứng nhận ngày càng cao hơn của thị trường, môi trường hay lao động cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với thủy sản Việt.
Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng cho biết: "Hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực thị trường EU đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như giá cả các mặt hàng lương thực biến động; hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn về thời gian và chi phí; lo ngại rủi ro thanh toán; giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; khả năng kinh tế EU tăng trưởng chậm lại do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột khu vực và lạm phát cao kỷ lục sẽ tác động đáng kể đến chi tiêu của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu.
Đặc biệt, EU đang siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững... Vì thế, để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi DN chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU.
Theo ông Jean-Jacques Bouflet - Phó chủ tịch EuroCham, hiện nay các tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế còn một khoảng cách. Ví dụ như Việt Nam đang áp dụng phổ biến tiêu chuẩn VietGap, tuy nhiên các thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng các tiêu chuẩn Global Gap, BAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác. DN Việt cần hướng đến các chuẩn EU để thiết kế quy trình sản xuất, chế biến, nuôi trồng sản phẩm.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cũng cho rằng, Việt Nam đã tham gia EVFTA, điều này đòi hỏi DN phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác... theo tiêu chuẩn; cũng như đòi hỏi DN sẽ phải tập hợp các hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn hàng hóa, C/O...
Ngoài thách thức trên, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan sẽ khiến áp lực cạnh tranh giữa các nước thành viên gia tăng, buộc các nước thành viên nói chung và DN Việt nói riêng phải chuyển đổi, cơ cấu lại phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bà Chi cho rằng, khi các DN xuất khẩu mặt hàng nào sang quốc gia nào, phải có tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng quốc gia đó. Ví dụ để vào thị trường Nhật Bản, ngoài việc đáp ứng chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật, DN cần ghi rõ trên bao bì của sản phẩm các thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản, hạn sử dụng. Đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh cho thực phẩm chế biến, DN cần cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới, áp dụng thay đổi công nghệ chế biến, bảo quản... để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng nghiêm ngặt mà CPTPP đề ra. Tập trung chú trọng liên kết DN với DN để thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chia sẻ về mô hình thành công khi xuất khẩu sang hơn 30 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính tại EU như Thụy Sĩ, Anh vào EU, ông Lý Trung Kiên - Trưởng Bộ phận Logistics toàn quốc Nestlé Việt Nam: "Để có ưu thế về chất lượng và đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, DN phải không ngừng đầu tư từ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho đến công nghệ chế biến. Đơn cử với sản phẩm cà phê, Nestlé Việt Nam thực hiện chương trình NESCAFÉ Plan từ năm 2011 đến nay, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cà phê từ người nông dân đến người tiêu dùng, giúp kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác, hỗ trợ cải thiện thu nhập cho người nông dân, đảm bảo bền vững về môi trường.
Trong đó, hỗ trợ người nông dân trồng cà phê, từ khâu phát triển và lựa chọn hạt giống đến thực hành canh tác tốt theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu, giá trị cao. Năm 2022, công ty bắt đầu sản xuất và xuất khẩu những lô đầu tiên sản phẩm cà phê hòa tan siêu thượng hạng sử dụng công nghệ sấy đông, sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.