Thị trường bất động sản vẫn lành mạnh dù kém thanh khoản
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:52, 27/11/2022
VinaCapital cũng cho rằng, các nhà đầu tư chứng khoán bị chi phối tiêu cực về tình trạng thắt chặt tín dụng đối với BĐS mặc dù lĩnh vực BĐS đóng góp chưa đến 10% GDP của Việt Nam, trái ngược với mức gần 30% ở Trung Quốc và kỳ vọng Chính phủ sẽ có biện pháp để giảm bớt các vấn đề về thanh khoản đang làm cổ phiếu giảm mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (cuối tháng 1/2023) - thời điểm hoạt động kinh tế và nhu cầu thanh khoản đều tăng cao. Đây là những vấn đề cơ bản của các nhà hoạch định chính sách, vì vậy Thủ tướng đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực BĐS.
GDP của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng 8% vào năm 2022 và khoảng 6% vào năm 2023, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung dự báo tăng khoảng 17% trong năm nay và năm sau. Sự kết hợp giữa giá cổ phiếu giảm và lợi nhuận tăng đã khiến P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu - Price, với thu nhập trên một cổ phiếu - EPS) năm 2022 giảm từ mức trên 17 lần vào đầu năm 2022 xuống còn 9 lần hiện tại và P/E dự phóng 2023 là 8 lần, thấp hơn 40% so với định giá P/E dự phóng của các nước trong khu vực.
Theo VinaCapital, có ba điểm rất quan trọng mà các nhà đầu tư cần biết. Một là Chính phủ có thể khuyến khích ngành ngân hàng cho các công ty BĐS vay tiền bằng cách giảm phương thức kiểm soát những khoản vay. Hai là Chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt để triển khai xây dựng các công trình mới, từ đó giảm bớt thanh khoản của các công ty BĐS. Ba là nhu cầu nhà ở tiếp tục phát triển mạnh và giá căn hộ vẫn phù hợp đối với đa số người mua thuộc tầng lớp trung lưu. Nói cách khác, về cơ bản, thị trường BĐS Việt Nam vẫn lành mạnh, bất chấp phải đối mặt với vấn đề thanh khoản.