Cần giải pháp "biến tiền thành vốn" cho nền kinh tế
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:00, 27/11/2022
Các diễn giả tham gia tọa đàm tại chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA lần thứ 66 - Ảnh: Hoàng Giang |
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh lại không mấy khả quan khi DN phải đối diện với biến động kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó, vấn đề nổi cộm hiện nay của DN là thiếu vốn và loay hoay tìm kiếm giải pháp ổn định tài chính.
Trước tình hình đó, ngày 26/11/2022, Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) đã tổ chức chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA lần thứ 66 tại Khách sạn Rex, với chủ đề "Tìm giải pháp tài chính DN trong hình hình hiện nay". Các khách mời là chuyên gia kinh tế, tài chính và các doanh nhân đã cùng nhau thảo luận cách thức giúp DN ổn định nguồn vốn.
Phân tích tình hình tài chính của Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho biết trong khi các chỉ số kinh tế như GDP, kiểm soát lạm phát… đều ghi nhận tăng trưởng tốt, DN lại phản ánh tình trạng thiếu vốn và thiếu đơn hàng trầm trọng.
Toàn cảnh chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA lần thứ 66 - Ảnh: Hoàng Giang |
Tình hình trên xảy ra trong bối cảnh kinh tế nước ta đang chịu nhiều áp lực trong và ngoài nước. Theo đó, thế giới đang trải qua thời kỳ lạm phát leo thang, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và xung đột Nga - Ukraine. Dự báo từ quý IV năm nay cho đến đầu năm 2023, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm. Tình trạng này sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, trong đó DN xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ở trong nước, DN đang gặp khó khăn do thiếu vốn. Ông Lịch phân tích: "Nền kinh tế nước ta hiện không thiếu tiền, nhưng do các kênh dẫn vốn bị tắc nghẽn nên tiền không được đưa vào kinh doanh, tức không tạo thành vốn. Có thể hình dung tình trạng này giống như khu ruộng có các kênh dẫn nước nhưng bị tắc nghẽn khiến hồ nước ở gần đó không thể cung cấp nước chảy tới ruộng được".
Theo ông Lịch, bài toán cho nền kinh tế trong giai đoạn này là làm sao để "biến tiền thành vốn". Để làm được điều này, cần phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ, song quan trọng nhất là Nhà nước phải thực hiện giải ngân 900.000 tỷ vốn đầu tư công. Bởi, đa số đầu tư công là đầu tư vào hạ tầng. Việc này liên quan đến rất nhiều DN ngành xây dựng, vật liệu… Khi giải ngân được vốn đầu tư công, dòng tiền sẽ được "giải phóng", từ đó giảm áp lực thiếu vốn cho DN.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch phát biểu tại chương trình |
Bên cạnh đó, ông Lịch cho rằng, nếu TP.HCM giải quyết được những dự án bất động sản tồn đọng do vướng mắc về thủ tục pháp lý, đồng thời chú trọng đầu tư vào thị trường nội địa thì sẽ cũng sẽ khai thông được dòng tiền lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM cho rằng, thay vì chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước, DN nên tự tìm cách để "cứu" lấy mình. Theo đó, ông Thanh đề xuất DN nên thực hiện tái cấu trúc và có hạn mức tín dụng "dự phòng".
"Theo tôi biết, một số DN đang không thiếu tiền và có nhu cầu đầu tư vào DN khác. Vì vậy, các DN thiếu vốn có thể tái cấu trúc bằng cách mua bán, sáp nhập. Đối với vấn đề tín dụng, nếu DN chỉ có hạn mức tín dụng ở một ngân hàng thì khi ngân hàng đó hết room sẽ không thể giải quyết vốn cho DN. Do vậy, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ nên có những hạn mức tín dụng dự phòng để có hướng đi cho mình trong tình hình này", ông Thanh phân tích.