Doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng các động lực tăng trưởng mới
Trong nước - Ngày đăng : 06:05, 28/11/2022
Số liệu thống kê cho thấy, nguồn lực đầu tư của khu vực DN tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội đã lớn mạnh khá nhanh trong thập niên vừa qua, từ khoảng 0,3 triệu tỷ đồng năm 2010 tăng lên 1,7 triệu tỷ đồng vào năm 2021. Giai đoạn 2017-2021, trong khi tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội suy giảm, từ 18,7% xuống 7,2%, thì khu vực DN tư nhân vẫn tăng mạnh, qua đó đóng góp tích cực vào gia tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP chung.
Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) trong hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát cho thấy sức chống chịu và khả năng thích ứng với khủng hoảng của khu vực DN tư nhân vẫn yếu và đã bị suy giảm. Trước đây, trong khi khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP, thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP, khi bị đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì được ở mức cần 10 đồng vốn để tạo ra 1 đồng GDP, thì khu vực tư nhân phải cần đến 23 đồng.
Suy giảm ICOR của khu vực DN tư nhân trong giai đoạn đại dịch Covid-19 là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ gia tăng sản lượng chỉ bằng cách gia tăng nguồn vốn đầu tư đã qua, khu vực DN tư nhân cần phải chú trọng tới những động lực mới giúp gia tăng sản lượng, năng suất, hiệu quả, nhất là các yếu tố về công nghệ, chuyển đổi số, nguồn nhân lực...
Trong đại dịch Covid-19, những DN áp dụng công nghệ số đã có khả năng thích ứng, hồi phục nhanh, sau khủng hoảng đã lấy lại tăng trưởng với tỷ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu cao hơn so với các DN khác. Những DN nhỏ không có đủ nguồn lực để chuyển đổi số, khi bị Covid-19 tác động mạnh, đa số đã đuối sức và khó vực dậy.
Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam.
Chuyển đổi số có thể khiến DN tăng chi phí đầu tư, nhưng đó lại là giải pháp gia tăng hiệu quả, tiết giảm chi phí vận hành, tăng doanh thu và lợi nhuận. Vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số không phải là ứng dụng quy trình công nghệ đã có sẵn, mà là chuyển đổi tư duy, thay đổi cách làm, tự động hóa thông tin và quy trình, phương thức hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số.
Trong năm 2023, theo dự báo, nền kinh tế nói chung cũng như cộng đồng DN vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài cũng như những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế chưa thể xử lý triệt để.
Bên cạnh các giải pháp của Chính phủ như đẩy mạnh cải cách gắn với củng cố, ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát để tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư, kinh doanh cho DN hồi phục, phát triển, theo ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, DN cần chú trọng tái cơ cấu cả về chiến lược, tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị để nâng cao khả năng cạnh tranh, tái cấu trúc đầu tư, sản xuất theo mô hình xanh hóa, chú trọng các tiêu chuẩn bền vững, chuyển đổi số.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động, yếu tố quyết định cho mọi nhân tố quan trọng khác, đó là củng cố, tăng cường chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực từ cấp quản lý, lãnh đạo DN đến người lao động.