Xây dựng thương hiệu chinh phục thị trường trong EVFTA

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:00, 28/11/2022

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp doanh nghiệp (DN) tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những khó khăn từ biến động kinh tế thế giới. Để tận dụng triệt để cơ hội này, các DN phải xây dựng thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu chinh phục thị trường trong EVFTA

Thương hiệu Việt khẳng định vị thế

Với mặt hàng gạo, mỗi năm, EU nhập khẩu 2,3 triệu tấn với kim ngạch khoảng 1,4 tỷ USD. Tiềm năng lớn về mặt hàng đã giúp các DN Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, bất chấp ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới.  

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, trước đây, khi EVFTA chưa ký kết, gạo Việt Nam đã vào châu Âu nhưng bị áp thuế từ 5% - 45% tuỳ quốc gia. Vì thế, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với gạo của Campuchia, Lào, Myanmar - những nước EU cho là nghèo, được miễn thuế.

Riêng gạo Thái Lan do có thương hiệu và lâu năm nên được người tiêu dùng EU rất tin tưởng. “Vì thế, khi có EVFTA, các DN Việt nhất là DN ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc”, ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, từ năm 2020, Trung An quyết định xây dựng thương hiệu sạch, đồng thời thông báo đến 27 thành viên EU là các thương nhân muốn mua gạo của công ty phải để tên Trung An. Quyết liệt với hướng đi này, 2 năm qua, gạo sạch Trung An bán rất tốt, nhất là tại thị trường Đức. Gạo Trung An tại thị trường này được bán với giá 42 EU/18kg, ngang gạo ngon HOM MALI của Thái Lan.

Trong khi đó, EVFTA đã giúp Lộc Trời tiếp cận được hai hệ thống đại siêu thị tại Pháp và châu Âu. Gạo của Lộc Trời với thương hiệu “Cơm Việt Nam” đã đổ bộ vào chuỗi siêu thị Carrefour  với 250 đại siêu thị, khoảng 3.000 siêu thị và cửa hàng tiện ích. Trước đó, “Cơm Việt Nam” cũng đã vào hệ thống siêu thị E.Leclerc và dự kiến sẽ mở rộng sang các nước Đức, Ý và toàn khu vực châu Âu. 

Với mặt hàng nông sản như tiêu, cà phê…, EVFTA cũng mang lại nhiều cơ hội lớn cho DN. Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, năm 2020, xuất khẩu của công ty vào EU đạt 50 triệu USD, đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 63 triệu USD, tăng 26%. EVFTA có hiệu lực đã giúp DN tăng số lượng và giá trị đơn hàng, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, đồng thời thêm cơ hội phát triển sản phẩm chế biến sâu.

Com-Viet-Nam-Loc-Troi.jpg

Thương hiệu "Cơm Việt Nam" của Lộc Trời đã có mặt ở châu Âu

Để tận dụng hết lợi thế từ EVFTA

Chia sẻ tại hội thảo "Đánh giá tình hình tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một số FTA khác và kiến nghị giải pháp", do Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, trong 15 Hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, ba FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA và UKVFTA mang lại nhiều lợi thế cho DN Việt Nam. Các hiệp định thương mại mới này đã tạo nhiều dư địa để các DN trong nước có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường các nước Đông Á.

Ba năm qua, các hiệp định thương mại tự do này đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, CPTPP giúp kim ngạch xuất khẩu sang các quốc gia thành viên trong năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. EVFTA giúp thương mại hai chiều giữa việt Nam và EU trong năm 2021 tăng 14,5% so với năm 2020. 

Các DN cho biết, có khoảng 85,8% DN thuộc nhóm hưởng lợi từ các FTA cho rằng, hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (con số này năm 2016 chỉ là 46,8%).

Dù vậy, vẫn còn nhiều yếu tố cản trở DN hưởng lợi từ FTA, như: thiếu thông tin, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, nguồn vốn và công nghệ còn thấp. Song song đó, việc DN thiếu định vị thương hiệu tại thị trường các FTA này cũng khiến họ khó tận dụng được cơ hội. 

Để tận dụng được tất cả các cơ hội từ FTA, các chuyên gia khuyến nghị DN phải cập nhật các thông tin mới; hướng dẫn, đào tạo đội ngũ cách tiếp cận FTA; sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. 

Bên cạnh đó, DN phải chọn lọc sản phẩm xuất khẩu và xây dựng thương hiệu DN và thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và muốn xuất khẩu vào thị trường này, DN cần sản xuất những sản phẩm chất lượng cao. Khi sản phẩm của DN Việt Nam có thương hiệu tại thị trường EU sẽ giúp DN phát triển bền vững và có cơ hội lan tỏa sang các thị trường khác trên thế giới. 

“Châu Âu là thị trường khó tính nhưng là phân khúc tiêu dùng đẳng cấp sang, vì thế, Việt Nam nên phát triển sản xuất nông nghiệp theo kiểu trọng tâm - trọng điểm, không chỉ cho hàng xuất khẩu châu Âu, mà cả tiêu dùng trong nước và các quốc gia khác trên thế giới”, ông Phạm Thái Bình tư vấn. 

Hồng Nga