Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hoá cần bảo vệ khẩn cấp

Đời thường - Ngày đăng : 02:00, 30/11/2022

Di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm vừa được UNESCO chính thức ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Ngày 29/11/2022, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat - thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Theo Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam" (The art of pottery making of Chăm people in Vietnam) đáp ứng các tiêu chí để đăng ký vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ nhân làm gốm ở làng Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: C.M.T

Nghệ nhân làm gốm ở làng Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: C.M.T

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được làm từ đôi tay của người phụ nữ Chăm bởi những dụng cụ đơn giản, không bàn xoay và không tráng men. Việc thực hành, truyền kỹ năng, bí quyết, nghệ thuật tạo hình gắn với việc nâng cao vai trò của phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại, cùng là nơi lưu giữ nghệ thuật diễn xướng dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội; nghi lễ liên quan đến vị tổ nghề gốm Chăm (Po Klaong Can).

Hiện, số lượng nghệ nhân, người thực hành nghề và người học nghề gốm còn rất ít; nghề gốm của người Chăm đứng trước nguy cơ mai một bởi nhiều lý do như quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian và cảnh quan của làng nghề truyền thống, vùng đất làm gốm chưa được quy hoạch và chi phí mua nguyên liệu cao, nghệ nhân lành nghề cao tuổi đang lần lượt qua đời và rất ít thế hệ trẻ tiếp nối nghề…

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được làm từ đôi bàn tay của người phụ nữ Chăm bởi những dụng cụ đơn giản, không bàn xoay và không tráng men.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được làm từ đôi bàn tay của người phụ nữ Chăm bởi những dụng cụ đơn giản, không bàn xoay và không tráng men. Ảnh: C.M.T

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của các dân tộc Việt Nam, đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại và tôn trọng sự đa dạng trong biểu đạt văn hóa theo đúng mục tiêu và tôn chỉ của các công ước của UNESCO mà Việt Nam là thành viên.

Như vậy, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các danh sách của UNESCO.

H.Minh