Chi phí logistic Việt Nam chiếm 16,8% cao nhất ASEAN
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:10, 30/11/2022
Chi phí logistics Việt Nam cao nhất ASEAN
Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report công bố ngày 30/11/2022, kết quả kinh doanh của phần lớn các DN trong ngành logistics đều rất tốt: 68,4% có doanh thu 9 tháng đầu năm nay tăng so cùng kỳ năm 2021, trong đó 26,3% ghi nhận mức tăng đáng kể. Còn theo báo cáo tài chính của 34 DN logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, 64,7% số DN vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu so với trước đại dịch (con số này là 35,3% cùng kỳ năm ngoái).
Dù tăng trưởng tích cực nhưng các DN cũng đối mặt với biến động giá năng lượng; nguyên vật liệu đầu vào tăng; cạnh tranh giữa các DN cùng ngành; rủi ro từ chuỗi cung ứng; bất ổn chính trị trên thế giới và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm. Một khó khăn khác là tình trạng tắc nghẽn tại các cảng. Cách đây một năm, nhiều DN trong ngành dự đoán tình trạng tắc nghẽn tại các cảng - minh chứng cho tình trạng mất cân đối cung-cầu, sẽ chỉ kéo dài đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thế giới mới nảy sinh trong năm nay, gần 80% số DN dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn đến cuối năm 2023 và thậm chí sau đó nữa khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường (bao gồm cả Trung Quốc).
Trong đó, biến động giá năng lượng là thách thức lớn nhất của ngành logistics năm nay, bắt nguồn từ cuộc xung đột chính trị Nga - Ukraine từ tháng 3. Chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí buộc các DN ngành logistics phải điều chỉnh giá. Có đến 63,2% DN cho biết tổng chi phí tăng lên trong 9 tháng đầu năm nay so cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, chi chí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với bình quân thế giới và trong các nước khu vực Đông Nam Á. Tại ASEAN, chi phí logistics của Singapore chỉ chiếm 8,5%, Malaysia 13%, Thái Lan 15,5%, còn Việt Nam lên tới 16,8%.
Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022 |
Đón đầu cơ hội Trung Quốc +1?
Phân tích báo cáo tài chính của 34 DN logistics niêm yết trên sàn chứng khoán cũng cho thấy, bước sang quý III/2022, 8,8% số DN bị chuyển từ nhóm “đang trên đà phục hồi” sang “suy giảm” trong 9 tháng đầu năm. Dự báo tăng trưởng ngành logistics trong năm 2023 ở mức thấp bất chấp thị trường nhu cầu đối với hoạt động logistics tăng mạnh vào cuối năm.
Trong bối cảnh này, các DN tìm cách “thoát khó” bằng việc mở rộng chuỗi cung ứng, tìm kiếm thị trường mới, tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số và đào tạo nhân viên phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là ba chiến lược được các DN logistics thực hiện xuyên suốt trong hai năm trở lại đây.
Trong số đó, nhu cầu mở rộng chuỗi cung ứng là chiến lược được phần lớn DN tập trung trong bối cảnh toàn cầu hóa kiểu mới hậu Covid-19. Trước đó, toàn cầu hóa bao trùm với chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối trải dài khắp thế giới. Nhưng nay, toàn cầu hóa bước vào một giai đoạn mới khi các nền kinh tế mới nổi tiêu thụ nhiều hơn những gì họ sản xuất và các quốc gia phát triển tìm cách cải thiện an ninh chuỗi cung ứng quan trọng và tính bền vững của nền kinh tế. Đến năm 2025, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị chi phối bởi ba trung tâm chính: Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Vì vậy việc mở rộng chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa là tập trung nguồn cung ứng đa dạng, nâng cao tính linh hoạt và khả năng phục hồi bằng cách tìm kiếm nguồn cung từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Trung Quốc + 1 sẽ là một trong những chiến lược được các DN lớn xem xét và có thể đây cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam.