Quyền ngắt kết nối sau giờ làm việc
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 06:00, 01/12/2022
Nhiều nhà quản lý đặc biệt yêu thích cách làm này, vì nó giúp họ quản lý được nhiều đầu việc, đồng thời có thể trao đổi với nhiều nhân viên cùng lúc. Tuy nhiên, về phía nhân viên, họ cũng phải luôn trong trạng thái "canh" thiết bị điện tử, bởi thông tin từ sếp có thể tới bất cứ lúc nào trong ngày.
Việc một nhân viên phải xử lý hàng chục đầu việc được giao trong hàng chục nhóm chat khác nhau vô hình trung tạo ra sự "bội thực" thông tin. Điều này về lâu dài sẽ tạo nên sự căng thẳng quá mức đi kèm hậu quả nghiêm trọng mà nhân viên cũng như doanh nghiệp có thể đối mặt.
Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng quyền ngắt kết nối ngoài giờ làm. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có điều luật cụ thể về quyền này.
Vạch ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân
Để tạo sự cân bằng, bạn nên đặt ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Việc đồng ý với mọi đầu việc được giao ngoài giờ làm không phải là lựa chọn sáng suốt, khi bạn đang hy sinh thời gian nghỉ ngơi vốn đã ít ỏi của bản thân cho công việc.
Nếu không phải công việc thật sự quan trọng và gấp gáp, bạn nên từ chối sếp một cách lịch sự và đương nhiên bạn đảm bảo sẽ hoàn thành chúng ngay khi tới thời gian làm việc của công ty.
Tự đánh giá mức độ khẩn cấp của đầu việc
Việc nhân viên tiếp nhận tin nhắn của quản lý sau giờ làm việc là điều hết sức bình thường. Nhiều công ty yêu cầu nhân viên phải lập tức phản hồi lại những nhắc nhở của sếp trong các đoạn hội thoại, từ đó khiến nhiều nhân viên luôn trong trạng thái sẵn sàng nếu không muốn bị xem là kẻ lười biếng và thiếu trách nhiệm. Điều này về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của người lao động bởi họ luôn trong tình trạng căng thẳng, hiếm khi nào được trọn vẹn nghỉ ngơi.
Bên cạnh việc đánh giá mức độ khẩn cấp của công việc, bạn cũng nên tự đánh giá mức độ quan trọng của những việc cá nhân. Nếu thực sự việc công ty là gấp gáp, hãy vui vẻ đóng một phần công sức; nếu không, bạn cũng cần nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo.
Đề xuất giải pháp
Bên cạnh việc khéo léo từ chối làm thêm việc ngoài giờ của sếp, bạn nên đề xuất giờ hoàn thành chúng và đảm bảo điều đó để giữ uy tín bản thân. Hãy nhẹ nhàng giải thích cho người quản lý biết vì sao bạn không thể thực hiện ngay lập tức, rằng công việc này hoàn toàn có thể tạm gác lại và xử lý sau.
Tuy nhiên, nếu đôi bên không tìm được tiếng nói chung, một cuộc thảo luận về cách vận hành giữa sếp và các nhân viên là điều cần thực hiện. Doanh nghiệp cần đưa ra những quy định rõ ràng về giờ lao động và quyền của các bên liên quan. Đồng thời, nhân viên cũng có quyền đề đạt nguyện vọng cá nhân, bởi tinh thần thoải mái sẽ đi cùng với chất lượng công việc và sự phát triển của công ty.