Phát triển “doanh nghiệp số” để thúc đẩy một “xã hội số”
Dịch vụ mới - Ngày đăng : 01:00, 02/12/2022
Công nghệ 4.0 đã đánh dấu bước chuyển mình trong cách thức hoạt động của doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo báo cáo "Kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia đến quý III/2022" của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong nửa đầu năm, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP là 10,411%, cao hơn con số 9,6% năm ngoái. Trên đà phát triển này, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đạt con số 20%.
Hiện doanh nghiệp công nghệ số ước tính đạt 67.300 doanh nghiệp, đã tăng gần 3.500 so với thống kê vào tháng 12/2021. Không chỉ vậy, đã có thêm tổng cộng 423.505 doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và tham gia chuyển đổi số. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đang ở con số 7%, và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đã đạt mức 33%. Một thống kê đáng nói khác là tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã đạt con số 66%.
Đứng trước làn sóng chuyển đổi số và lời kêu gọi của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang áp dụng công nghệ cũng như tiện ích số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ của mình. Để có thể thúc đẩy toàn xã hội chuyển đổi số, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang dần chú trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện.
Xây dựng một xã hội số bền vững là một mục tiêu của chính phủ Việt Nam |
Một hệ sinh thái số toàn diện không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc áp dụng công nghệ từ bên thứ ba để sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ, mà còn ở việc triển khai và xây dựng một hệ thống “lõi” công nghệ trong chính doanh nghiệp. Hệ thống nền tảng số “lõi” bao gồm hướng tới số hoá toàn bộ hệ thống bằng công nghệ tự phát triển và nâng cao tinh thần trải nghiệm số cho toàn bộ nguồn nhân lực.
Với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại trong công cuộc xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện. Điều này thể hiện qua hạ tầng kỹ thuật, kỹ năng của nhân sự cũng như ngân sách… Dù đó là những trở ngại không nhỏ, để có thể vươn ra thị trường quốc tế, các thương hiệu Việt Nam cần tiếp tục nắm lấy những cơ hội được tạo ra từ môi trường hệ sinh thái số toàn diện.
Trong môi trường số, một doanh nghiệp có thể gia tăng tính đồng bộ trong khâu hoạt động và không ngừng tạo động lực đổi mới trong chuyển đổi số để tăng tính tiện lợi cho khách hàng. Điển hình có thể kể đến hệ sinh thái số cho khách hàng doanh nghiệp được Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) ra mắt vào năm 2019. Lắng nghe nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, MB đã giới thiệu sản phẩm MB App Business, nay được biết đến là BIZ MBBank với nhiều tính năng ưu việt, chẳng hạn như gia tăng hạn mức giao dịch lớn hơn, thanh toán thuế trực tiếp trên ứng dụng và chuyển tiền quốc tế, trả lương online…
Các tính năng hỗ trợ của Wealth Management đang thay đổi cách thức đầu tư của nhiều cá nhân |
Không chỉ chú trọng đến các khách hàng là doanh nghiệp, MB tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong việc khuyến khích khách hàng thử nghiệm các sản phẩm số như Wealth Management dành cho nhu cầu đầu tư chứng khoán, hay LandStock dành cho nhu cầu tham gia thị trường bất động sản.
Các tính năng dịch vụ, bất kể độ phức tạp, giờ đây được kì vọng có thể diễn ra hoàn toàn trên không gian số. Khuyến khích khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thế hệ Gen Y và thế hệ Gen Z, thay đổi thói quen trong các hoạt động thường ngày sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự hình thành của một xã hội số.
Phát triển và bồi dưỡng một hệ sinh thái số không chỉ giúp phát triển nền kinh tế mà còn hỗ trợ cải thiện đời sống của người dân. Chuyển đổi số có thể đang đóng vai trò quan trọng trong việc xóa mờ khoảng cách địa lý, tạo ra cơ hội bình đẳng cho người dân về việc tiếp cận với các loại hình sản phẩm dịch vụ tiện ích, qua đó mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.
Một nền xã hội số sẽ cải thiện đời sống sức khoẻ của người dân thông qua các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, cũng như đem lại các hình thức giải trí an toàn và đa dạng hơn. Mô hình doanh nghiệp số sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc thay đổi suy nghĩ cũng như thói quen của từng con người, từ đó lan tỏa ra cộng đồng để mọi người trở thành những công dân số đóng góp vào “xã hội số”.