Vì sao nước Anh, một phần trong Hành trình tử thần của nhà báo Đào Duy Bình
Sách hay - Ngày đăng : 07:00, 03/12/2022
Hành trình tử thần ghi chép từ nước Anh của tác giả, Nhà báo Đào Duy Bình, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM xuất bản vào quý IV/2022 có 4 phần, gồm: Đường đến nước Anh; Phận người nơi xứ lạnh; Hạnh phúc ở nơi đâu; Vì sao nước Anh. Tuy nói có bốn phần, nhưng Hành trình tử thần ghi chép từ nước Anh chỉ có 219 trang viết, số lượng không quá nhiều. Điều ấn tượng thuộc về nội dung của sách - hành trình xuyên biên giới của tác giả từ Việt Nam đến Anh quốc bởi những câu chuyện chân thực lấy nước mắt của người đọc khi hai tiếng đồng bào và những phận người nơi đất khách.
Theo anh Duy Bình, con số mà ông Lương Sơn Thành - cựu Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Anh, thì có khoảng 20.000 người Việt Nam đang sinh sống bất hợp pháp tại Anh. Nhưng thực tế, con số này còn cao hơn nhiều vì không ít người Việt Nam đến nước Anh không khai báo. Tại sao nước Anh lại hấp dẫn người Việt Nam, bất chấp rủ ro? Nhiều lý do, nhưng tựu trung là mưu sinh, đồng tiền nước này có giá trị hơn bất cứ quốc gia nào ở châu Âu khi nó được gửi về Việt Nam.
Một cuốn sách có loại thể ghi chép, tường thuật, phóng sự có điều tra, có trao đổi có phỏng vấn, và có cả nước mắt trước hiện thực bi thương… |
Bởi sự hấp dẫn này, mà 23/10/2029, một thảm kịch xảy ra khi cả thế giới rúng động lúc phát hiện thi thể 39 người Việt Nam (có 2 thiếu niên 15 tuổi) trong một container tại Khu công nghiệp Waterglade (Hạt Essex), và sự kiện tồi tệ khi một xưởng gỗ ở khu nhà Bismark House Mill tại Oldham, Manchester bị cháy vào 7/5/2022 với 40 người Việt mất tích mà “mọi hướng điều tra đều dẫn đến nạn buôn người”. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở cái chết, cuộc điều tra xuyên quốc gia, xuyên quốc tế, không chỉ là công lý mà còn cả những nước mắt khóc cho những phận người xấu số. “Những giọt nước mắt đã lăn dài trên gương mặt tôi”, Paul Clark - một thành viên trong nhóm điều tra nói với tác giả.
Khép lại những điều chẳng may mắn, khi công lý đã thực thi, người mất được hồi hương. Tác giả Duy Bình tiếp tục kể lại cho chúng ta nghe câu chuyện tình người nơi xứ lạnh. Ở đâu, người Việt Nam cũng đùm bọc lẫn nhau để mà sống, rồi đến no cơm ấm cật bởi hai tiếng đồng bào, mà bà Lệ và ông Sử - chủ quán của Nhà hàng Miền Tây ở thủ đô London là một thí vụ. Họ mang hương vị Việt Nam đến Anh quốc để thỏa lòng thương nhớ quê hương, để giới thiệu đến bạn bè quốc tế văn hóa ẩm thực của người Việt Nam và họ mang tấm lòng của mình đến với những phận người chẳng có một tờ giấy lận lưng nhưng miệt mài mưu sinh, bất chấp việc cư trú bất hợp pháp.
Trong buổi ra mắt sách ngày 1/12 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình vừa qua, nhiều đọc giả, bạn bè thân hữu, được nghe chia sẻ “gan ruột” của tác giả, vì sao sách Hành trình tử thần ghi chép từ nước Anh ra đời. Chắc có nhiều người sẽ kể lại chẳng sót một chi tiết nào về “lý lịch” cuốn sách, tôi thì khác. Tôi quên hết mọi thứ, và chắc chắn là vậy. Tôi chỉ nhớ gương mặt của anh Duy Bình, dẫu người miền Trung nhưng nắng gió phương Nam, cộng với nét phong trần của người làm báo dạn dày, cùng với “chất” thật thà qua lời nói, là câu chuyện tôi sẽ trả lời với mọi người. Và chính điều này, tôi tin rằng, câu chuyện anh ghi chép trong quyển sách nó thật từ sự thật, thật đến tâm tình của người cầm bút. Và thật hơn là trong buổi ra mắt sách, sự xuất hiện của bà Lệ và ông Sử - chủ quán của Nhà hàng Miền Tây khiến cho tôi bùi ngùi xúc động.
Chia sẻ với bạn đọc, nhà báo Dương Thành Truyền cho biết Hành trình tử thần ghi chép từ nước Anh: “Mang đến cho chúng ta những trang sách lôi cuốn và xúc động, bằng bố cục dựa trên những chuyến đi. Nhưng, hơn cả những chuyến đi, đây là những câu chuyện ngồn ngộn chất liệu của đời người, mà cũng là những sẻ chia, những cảm thông, những cảnh báo, những góc nhìn và cả những câu hỏi chưa có lời đáp về một hành trình đáng lý không nên có trên con đường mưu cầu hạnh phúc của mỗi chúng ta”.
Nhiều người biết đến nhà báo Đào Duy Bình là cây bút mảng thể thao, nhưng sẽ bất ngờ khi đến với những gì anh thể hiện trong Hành trình tử thần ghi chép từ nước Anh. Một cuốn sách có loại thể ghi chép, tường thuật, phóng sự có điều tra, có trao đổi có phỏng vấn, và có cả nước mắt trước hiện thực bi thương…