Cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghệ và viễn thông Việt Nam

Công nghệ - Ngày đăng : 05:00, 05/12/2022

Doanh nghiệp công nghệ, viễn thông được cho là sẽ tiếp tục hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế số và Việt Nam đang tiên phong trong cuộc đua thương mại hóa mạng 5G.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghệ và viễn thông Việt Nam

Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP Việt Nam năm 2025. Dự báo, tốc độ tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng 18% so với cùng kỳ 2022. Con số này cao gấp đôi doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin truyền thống, cho thấy tiềm năng to lớn trên thị trường. 

Đến năm 2025, giá trị nền kinh tế số Việt Nam dự báo đạt 52 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép 24% và xếp thứ ba Đông Nam Á, theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain. Trong bối cảnh mạng 5G mở ra kỷ nguyên mới cho hàng loạt công nghệ, Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới.

Theo tổ chức Thống kê Internet Thế giới (Internet World Stats), số thuê bao Internet đã tăng 343 lần trong giai đoạn 2000-2021. Tiềm năng tăng trưởng cho Internet băng thông rộng cố định tại Việt Nam còn lớn khi tỷ lệ bao phủ hiện đạt khoảng 21 thuê bao/100 người dân, khá thấp so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á là 38 thuê bao/100 người dân.

Theo Cisco, Việt Nam đã trở thành một trong những nước tiên phong thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại trên nền tảng công nghệ 5G. Số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam được dự báo đạt 6,3 triệu năm 2025. Hơn nữa, việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt tăng doanh thu thêm 300 triệu USD/năm, bắt đầu từ năm 2025.

Link bài viết

Thực tế, Việt Nam có thể sớm trở thành một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên ra mắt mạng 5G với nhiều công ty viễn thông nội địa chạy đua phát triển mạng lưới quốc gia. Với sự ra đời của công nghệ 5G, cơ hội phát triển ứng dụng hiện đại để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho các hãng công nghệ là rất lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng số hóa của Chính phủ đã tạo điều kiện tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên cả nước. Hơn nữa, thị trường trung tâm dữ liệu Việt được thúc đẩy bởi việc chuyển dữ liệu DN sang nền tảng đám mây. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng trong việc áp dụng các giải pháp lưu trữ dữ liệu, do đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường.

Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được dự báo tăng trưởng kép trên 14,6% cho đến năm 2026, theo công ty Research and Markets của Mỹ. Với sự ổn định về chính trị và xã hội, ít thiên tai, Việt Nam có các đặc điểm cần thiết để trở thành một thị trường trung tâm dữ liệu lớn trong khu vực.

Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu đặt tại các thành phố lớn với quy mô khác nhau, chất lượng đạt tiêu chuẩn, theo Cushman & Wakefield - một trong các công ty dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới. Quy mô thị trường tổng thể ước tính 45MW, với một số nhà khai thác và nhà phát triển mới đang tìm cách bổ sung nguồn cung cho thị trường trong ngắn và trung hạn. Trong số này, khoảng 80% trung tâm dữ liệu được vận hành bởi công ty viễn thông địa phương.

Dưới sức hút của lĩnh vực công nghệ, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) cũng được đẩy mạnh. Những năm gần đây, tại Việt Nam, thị trường M&A trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt tại các DN sở hữu hoặc đầu tư công nghệ tiên tiến, có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn.

Bất chấp sự bất ổn lan rộng và nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ rủi ro cao, hoạt động M&A công nghệ vẫn tiếp tục, thúc đẩy bởi dòng vốn tư nhân đặc biệt mạnh. Dù các điều kiện trên thị trường vốn được thắt chặt, nhưng nhiều DN vẫn có một lượng tiền mặt lớn sẵn sàng giải ngân trong thời gian tới.

H.T